“Sốt” đất trồng rừng: Để giàu từ rừng

01/04/2010 00:27 GMT+7

Giao rừng cho dân, doanh nghiệp (DN) trong nước trồng và khai thác dưới sự kiểm soát của Nhà nước là quan điểm được nhiều người ủng hộ.

Giao diện tích lớn

Năm 1993, các hộ dân sống trên đỉnh núi Cấm (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) được vận động nhận khoán đất để trồng rừng lên những khoảnh đồi trọc, hậu quả sau những lần cháy rừng triền miên và nạn phá rừng trước đó. Cây giống do Nhà nước cấp, người dân trồng rừng được trả "lương" 100.000 đồng/năm, ấy là bây giờ chứ ban đầu chỉ vỏn vẹn 50.000 đồng. Nguồn thu từ việc trồng và coi rừng của người dân núi Cấm chủ yếu từ rẫy trồng xen dưới tán cây. Theo quy định, người dân có thể chặt tỉa cây để bán nếu được phép. Tuy nhiên, do phải vận chuyển từ trên núi xuống tốn nhiều chi phí nên giá cũng rẻ bèo.

Ông Lương Văn Liếng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, cho biết hiện có gần 1.000 hộ dân được giao khoán với khoảng 3.000 ha rừng phòng hộ trên núi Cấm. "Người dân được giao khoán đóng góp rất to lớn vào việc hạn chế cháy rừng, phá rừng. Nhưng đời sống của các hộ dân nơi này còn rất khó khăn. Vào mùa khô, do không thể trồng trọt gì ở trên núi, nên nhiều người xuống núi kiếm việc khác làm ăn", ông Liếng nói. Ông Liếng cũng thừa nhận để giải quyết bài toán kinh tế, nâng cao thu nhập cho các hộ dân trồng và chăm sóc, quản lý rừng để họ luôn chú tâm vào công việc là không đơn giản.

Thực tế ở nhiều địa phương trong cả nước, người dân mặc dù sống dựa vào rừng và bảo vệ rừng - một nguồn tài nguyên có thể sinh lợi lớn, nhưng vẫn rất nghèo khó. Để giải bài toán đó, theo tiến sĩ Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý NN-PTNT 2, có hai cách: thứ nhất, giao cho hộ dân một diện tích rừng đủ lớn để họ có thể sống được; thứ hai, nếu cào bằng hộ nào cũng có rừng với diện tích nhỏ lẻ thì phải nuôi gạo họ. "Tôi thấy ở một tỉnh phía Bắc có công ty làm ăn rất hiệu quả. Địa phương quy hoạch rừng sản xuất và giao cho công ty này. Công ty không trực tiếp trồng hay bảo vệ rừng, mà vận động người dân bản địa cùng tham gia. DN chỉ lo thuần về thương mại, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rồi đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, cung cấp cây giống cho dân", ông Khải đưa ví dụ.

Quy hoạch rừng với cây trồng cụ thể

Ông Phạm Văn Án, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết Lâm Đồng cũng đang "sốt" đất trồng rừng, nhiều DN gửi đơn xin thuê đất nhưng quỹ đất trống đồi trọc đã hết. Tỉnh đang khảo sát những vùng rừng nghèo kiệt để quy hoạch cho thuê. Lâm Đồng hiện có khoảng 400 dự án được tỉnh cho thuê với diện tích trên 50 ngàn ha đất rừng để trồng rừng kinh tế, quản lý bảo vệ kết hợp làm du lịch sinh thái. Từ năm 1997 đến nay các chủ rừng đã trồng được trên 21 ngàn ha rừng thông, keo, cao su… Trong đó, Công ty giấy Tân Mai trồng 10 ngàn ha rừng thông.

Theo ông Án, để việc cho thuê đất trồng rừng đạt được hiệu quả thì phải gắn với việc tiêu thụ sản phẩm từ rừng, cụ thể trồng rừng nguyên liệu giấy phải gắn kết với nhà máy sản xuất giấy. Tỉnh Lâm Đồng ưu đãi miễn thuế 11 năm đầu cho các doanh nghiệp để khuyến khích các DN đầu tư trồng rừng.

Lâm Viên (ghi)

Thụy Điển là một đất nước điển hình cho việc trồng, bảo vệ và khai thác rừng hiệu quả. 4/5 diện tích nước này là rừng và rừng hoàn toàn là của tư nhân, ngoại trừ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh... Các nhà đầu tư tư nhân này là những "nông dân lớn" khi họ trồng trọt gắn với chế biến, hình thành vùng sản xuất có nguồn nguyên liệu ổn định. Ở ta, chưa có cơ chế chính sách để khuyến khích DN tham gia trồng rừng và đầu tư nhà máy chế biến, chẳng hạn miễn giảm thuế thu nhập DN trong những năm đầu...

Quan điểm của ông Khải là giao đất rừng cho dân không thể như giao đất ruộng. "Đất ruộng chỉ cần 5 - 10 ha thì hộ dân có thể khá giả được, cao su khoảng 30 - 40 ha, còn rừng phải nhiều hơn. Tôi thấy bấy lâu nay người dân không sống được bằng rừng, nên họ tiếp tục phá rừng, dù chưa có nông dân nào phá rừng mà có thể giàu lên. Phát triển rừng dựa vào cộng đồng, nhưng chúng ta làm không tới nơi tới chốn, khiến người dân dù ý thức được vẫn phá rừng để giải quyết cái ăn hằng ngày", ông Khải khẳng định. Còn công ty nào có dự án trồng và khai thác rừng tốt thì giao cho họ trước khi giao cho nước ngoài. "Chúng ta cần đất rừng để người dân có công ăn việc làm, phải bảo vệ công ăn việc làm của người dân trong nước. Trồng rừng không khó như trồng lúa, người dân làm được ngay. Cho nên, rất vô lý nếu chúng ta cho người nước ngoài thuê rừng. Trước hết phải giao cho người dân", ông Khải nói thêm.

Rừng được xem là một "tài nguyên công", nếu mạnh ai nấy khai thác và không có biện pháp quản lý hữu hiệu, rừng sẽ bị cạn kiệt. Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, ĐH Nông lâm TP.HCM nhận định: "Nhiều địa phương đã thực hiện việc giao đất giao rừng cho người dân và DN trên thực tế đã đem lại hiệu quả. Nhưng song song đó cần phải có chính sách hỗ trợ và hướng dẫn người được giao đất giao rừng trong việc trồng, quản lý và khai thác một cách hiệu quả như cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và chính sách tín dụng. Cần lưu ý thêm rằng, phá rừng trồng cây công nghiệp như cà phê, bạch đàn... vẫn gây hậu quả môi trường. Các loại cây này không thể thay thế cây rừng về mặt môi trường như xói mòn đất. Cho nên cũng cần quy hoạch vùng trồng rừng sản xuất với những loại cây cụ thể, tránh trồng rừng tràn lan".

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.