“Sốt” đất trồng rừng: Dồn điền, đổi thửa

31/03/2010 01:20 GMT+7

Người dân muốn làm giàu từ trồng rừng cần phải có diện tích lớn nhưng trên thực tế, quỹ đất rừng lại không còn nhiều. Giải quyết bài toán khó này như thế nào? Ông Hà Công Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) đã trả lời phỏng vấn của Thanh Niên.

* Nhu cầu xin đất trồng rừng ngày càng nhiều, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Chúng ta thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho người dân và các cộng đồng dân cư từ 1994, nhưng phải nói là thời điểm ấy, dù đã vận động rất tích cực nhưng ít người nhận đất, nhận rừng, chúng ta phải lấy tinh thần cán bộ, đảng viên để vận động. Bây giờ thì đã khác, người dân đang rất mong muốn được giao rừng, giao đất. Theo tôi, sự chuyển biến tích cực này trước hết bắt nguồn từ việc bà con vùng cao đã thấy được những lợi ích kinh tế thiết thực do rừng, đất rừng đem lại. Nhiều người đi tiên phong, nhận hàng chục, thậm chí cả trăm ha đất, rừng mười mấy năm trước nay đã trở thành những triệu phú, tỉ phú về lâm nghiệp. Những người hưởng lợi từ rừng ít hơn cũng đã có tiền để mua sắm những vật dụng có giá trị cho gia đình.


Ông Hà Công Tuấn

“Nhiều người đi tiên phong, nhận hàng chục, thậm chí cả trăm ha đất, rừng mười mấy năm trước nay đã trở thành những triệu phú, tỉ phú về lâm nghiệp. Những người hưởng lợi từ rừng ít hơn cũng đã có tiền để mua sắm những vật dụng có giá trị cho gia đình”.

* Nhưng trên thực tế, thu nhập từ trồng rừng hiện mới chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn trong tổng thu nhập của người dân. Theo ông, nguyên nhân vì sao?

- Như tôi đã nói ở trên, hiện bình quân diện tích đất, rừng giao cho dân chỉ ở vào khoảng trên dưới 1 ha/hộ. Kết quả một số cuộc điều tra mà tôi nắm được cho thấy, với diện tích 1 ha đất hoặc rừng được giao, thu nhập từ lâm nghiệp cũng chỉ chiếm không quá 30% tổng thu nhập của gia đình. Vì thế, người dân vẫn phải làm thêm các nghề khác, phải chăn nuôi và trồng trọt nữa thì mới có thể đảm bảo được cuộc sống. Thực tế cũng cho thấy, chỉ có những hộ có được mức đất cỡ 20 - 30 ha rừng thì mới có thể giàu từ rừng.

* Thưa ông, quỹ đất, rừng của chúng ta hiện nay có đáp ứng được nhu cầu của người dân hay không?

- Quỹ đất lâm nghiệp quy hoạch thì không còn nhiều. Bây giờ chúng ta chỉ có thể lấy đất từ diện tích đang giao cho chính quyền địa phương quản lý và rà soát lại diện tích đất các lâm trường quốc doanh đang quản lý kém hiệu quả. Tổng cộng từ hai nguồn này thì cũng chỉ ở mức 2 - 2,5 triệu ha mà thôi. Chúng ta có khoảng 20 triệu người dân đang sinh sống trên địa bàn lâm nghiệp, với diện tích đã giao từ trước đến nay, tính trung bình mỗi hộ dân cũng chỉ được nhận ha. Tới đây, chúng ta giao tiếp diện tích còn lại, tính bình quân trên mỗi hộ cũng không thể hơn con số kể trên.

Trao đổi về vấn đề đầu ra cho lâm sản, ông Hà Công Tuấn cho biết, VN đã và đang tiến hành khoanh vùng nguyên liệu để đặt các nhà máy. Hiện nay đã có nhiều nhà máy dăm, nhà máy giấy quy mô vừa và nhỏ được xây dựng tại các địa phương. “Chúng ta đang xã hội hóa việc tiêu thụ lâm sản cho người dân, các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp cũng đang vào cuộc một cách tích cực. Về lâu dài, và quan trọng nhất, phải đầu tư hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng cho lâm nghiệp”, ông Tuấn nói.

* Nghịch lý là muốn làm giàu từ rừng thì phải có diện tích lớn nhưng quỹ đất lại không cho phép thực hiện điều này? Vậy làm thế nào để đời sống người dân trồng rừng khá hơn, làm thế nào để nhân rộng những triệu phú, tỉ phú từ nghề trồng rừng, thưa ông?

- Theo tôi, phải tính toán chính sách tích tụ đất đai, dồn điền đổi thửa trong lâm nghiệp theo cái cách như đã làm trong nông nghiệp thời gian vừa qua. Bên cạnh đó cơ quan chức năng, các nhà khoa học cần hỗ trợ cho người dân chọn lựa giống cây tốt, có giá trị kinh tế cao, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, canh tác đem lại năng suất cao trên một đơn vị diện tích trồng rừng.

* Cụ thể theo ông nên hỗ trợ như thế nào?

- Trước hết phải làm tốt khâu khuyến lâm. Bộ NN-PTNT đang đề nghị giao việc này cho lực lượng kiểm lâm địa bàn xã. Họ mới là người gắn ở đấy, thông qua họ mới có thể truyền bá những kinh nghiệm sản xuất, kiến thức khoa học cho người dân. Cái này chúng ta đang có mô hình rất tốt ở Yên Bái, việc nhân rộng là hoàn toàn có cơ sở. Bên cạnh đó, lực lượng khuyến nông tại các địa phương phải quan tâm hơn nữa đến khâu khuyến lâm, khắc phục tình trạng coi nhẹ vấn đề này như đã diễn ra trong thời gian qua.

Về vốn, tôi cho rằng, nhiệm vụ của các ngân hàng là bảo tồn vốn, kinh doanh có lời, muốn vậy họ phải hạn chế rủi ro trong khi công bằng mà nói, cho vay trồng rừng, thời hạn thu hồi vốn kéo dài mà còn đối mặt với nhiều rủi ro về cháy rừng, chặt phá, chuyển đổi và đối tượng vay là hộ đồng bào gặp khó khăn về khâu thế chấp. Thủ tướng Chính phủ vừa mới ký quyết định đồng ý với đề nghị của Bộ NN-PTNT: các ngân hàng đầu tư cho người dân vay vốn trồng rừng đến khi thu hoạch mới phải trả cả vốn lẫn lãi. Tôi cho rằng, cần phải có hướng dẫn và cần phải có sự đồng lòng của những người làm tín dụng thì chủ trương này mới đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất.

Quang Duẩn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.