SSEAYP ký sự

11/12/2008 14:24 GMT+7

Tàu Thanh niên Đông Nam Á 2008 (SSEAYP 2008) diễn ra từ ngày 21.10 - 12.12. Năm nay hải trình qua 6 nước gồm Nhật Bản, Brunei, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Đoàn VN có 28 thành viên được T.Ư Đoàn tuyển chọn. Phóng viên Thanh Niên cũng là một thành viên đã theo đoàn trong suốt hải trình...

Duyên dáng áo dài VN

Rạng sáng ngày 21.10, chuyến bay VN 954 của Vietnam Airlines đưa 28 thành viên VN tham dự SSEAYP 2008 đến sân bay quốc tế Narita (Nhật Bản). Khi đoàn VN đến đã có người của Ban tổ chức đón ở sân bay. Khách sạn Sheraton Miyako (Tokyo) dần hiện ra. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh chiếc áo dài VN khá ấn tượng bởi hai cô gái ở quầy tiếp tân. Chúng tôi cứ nghĩ rằng hôm nay có lịch đón đoàn VN nên tiếp tân mặc đồng phục áo dài để tạo thân thiện cho khách. Nhưng tìm hiểu thì được biết, đây là đồng phục hằng ngày của họ. "Chiếc áo dài VN quá đẹp, chúng tôi cảm thấy hãnh diện và tự tin khi mặc trang phục truyền thống VN trong công việc hằng ngày ở khách sạn 5 sao này" - một trong hai cô cười giải thích...

Ngày hôm sau, 11 nước tham gia SSEAYP 2008 có buổi ra mắt đầu tiên với đại diện Hoàng gia và lãnh đạo cấp cao của Nhật Bản. Trong buổi chiêu đãi của Văn phòng Nội các Nhật Bản, chúng tôi cảm nhận được tầm quan trọng của SSEAYP cũng như trách nhiệm của mỗi thành viên tham dự chương trình. Ngày kế tiếp, hơn 300 thành viên được chia ra làm 11 nhóm và bắt đầu chương trình "ở nhà dân" tại nhiều tỉnh khác nhau. Đoàn VN đi cùng chúng tôi có 3 thành viên và điểm đến là tỉnh Miyagi.

Mất gần 3 giờ đồng hồ đi bằng tàu điện ngầm chúng tôi mới đến điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Shiroishi. Lâu đài cổ này được xây dựng từ năm 1874, sau một thời gian dài bị phá hủy, năm 1995 nó được xây dựng lại theo đúng kiểu dáng cổ xưa. Phần chính được ghép bằng những tảng đá truyền thống cổ nhất của Nhật với tên gọi nozurazumi. Cho đến nay, việc những tảng đá lớn này có thể đặt lên đỉnh của tòa lâu đài mà không hề bị cắt nhỏ vẫn là một điều bí ẩn.

Điểm tiếp theo là Nhà hát kịch Noh Hekisuien. Tại đây, chúng tôi được nghe nhạc Koto (một loại nhạc truyền thống của Nhật) và mỗi thành viên được học đánh vài nốt nhạc. Đàn Koto dài khoảng 180 cm, có 13 dây và có 13 cây chống mà người chơi đàn có thể di chuyển được. Người chơi dùng 3 ngón tay (ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa) để đánh đàn. Bên cạnh là một phòng nhạc kịch truyền thống được xây dựng và biểu diễn từ thế kỷ 14. Nhiều vật dụng cổ còn lưu giữ tại đây.

Đến truyền thống Nhật

Tối đến, chúng tôi được nghỉ tại một khách sạn kiểu Nhật độc đáo. Tôi may mắn được ở chung với một thành viên người Nhật, bởi vậy có thể khai thác khá nhiều thông tin. Căn phòng khá rộng với một chiếc bàn kê ở giữa để uống nước. Khi ngủ, bàn được dọn để lấy chỗ trải nệm. Mọi vật dụng trong phòng đều mang đậm phong cách Nhật, từ phòng ngủ, đến phòng tắm. Buổi tối, các thành viên khá thích thú khi được chiêu đãi món ăn Nhật. Các bạn người Nhật hướng dẫn chúng tôi cách ngồi, rồi đến ăn như thế nào cho đúng. Quả thật mọi cách chúng tôi đều có thể học được, nhưng riêng việc... quỳ hai chân trong suốt bữa ăn là không thể chịu được, vì bữa ăn rất cầu kỳ và tốn khá nhiều thời gian. Hình như mấy anh bạn người Nhật cũng biết điều này nên bảo chúng tôi đổi tư thế để có bữa ăn thoải mái hơn. Tuy nhiên chúng tôi chú ý những người Nhật tham dự tối hôm đó đều quỳ như thế trong suốt hơn 1 tiếng đồng hồ.

Cũng tại đây, chúng tôi còn được thưởng thức grand bath - một kiểu tắm ngâm nước nóng truyền thống của Nhật. Trước khi bước vào bồn tắm, ai cũng phải thật sạch, vì nước trong bồn sẽ dùng cho nhiều người và không thay nước. Sau này chúng tôi còn được thưởng thức thêm nhiều lần kiểu tắm này, vì hầu như gia đình người Nhật nào cũng có một phòng grand bath, tuy kích cỡ có khác nhau.

Ngày hôm sau, bắt đầu chương trình ở nhà dân tại Nhật. Gia đình nuôi của chúng tôi mang đậm phong cách truyền thống Nhật, với 3 thế hệ sống chung. Bố nuôi là giáo viên tiếng Anh nên chúng tôi không gặp khó khăn trong việc giao tiếp. Mẹ nuôi là giáo viên tiểu học, sử dụng tiếng Anh cũng khá thành thạo. Điều này quả là may mắn, vì không nhiều người Nhật biết tiếng Anh. Tuy nhiên, với ông bà nội đã hơn 70 tuổi thì chúng tôi chỉ có thể trao đổi bằng "ngôn ngữ cơ thể". Một điều khác biệt khá lớn so với VN là gia đình nuôi đều là giáo viên, có 3 con và bố mẹ già, nhưng đời sống khá sung túc. Sau này nghe nói ở Nhật những ngành thuộc về phục vụ xã hội như bác sĩ hay giáo viên có mức lương rất cao.

Chia tay Tokyo, điểm đến tiếp theo là Brunei và Indonesia...
(Còn tiếp)

Lê Hân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.