(TNO) Năm ngoái, Bayern Munich lập kỷ lục vô địch Bundesliga sớm chưa từ thấy (mới đầu tháng 4 họ đã nắm chắc danh hiệu). Năm nay, Bayern còn vô địch sớm hơn, nghĩa là tự phá kỷ lục. Tháng 3 còn chưa khép lại, Champions League còn chưa tiến được đến vòng tứ kết, giải Ukraine thì chỉ vừa bắt đầu trở lại sau kỳ nghỉ đông, vậy mà 'Hùm xám' đã chính thức đăng quang ở Bundesliga.
>> Bayern Munich đăng quang sớm 7 vòng đấu
>> Dortmund ngăn Bayern Munich đăng quang sớm
>> Bayern Munich đối đầu M.U tại tứ kết Champions League
|
Bayern hơn đội nhì bảng đến 25 điểm, trước 7 vòng đấu cuối cùng. Khoảng cách ấy thênh thang như thế nào? Xin thưa, nó lớn hơn cả khoảng cách giữa nhóm rớt hạng với nhóm có vé dự Champions League (đội hạng 4 Leverkusen "chỉ" hơn đội áp chót Stuttgart 23 điểm).
Có rất nhiều nguyên nhân khiến Bayern vượt trội đến mức không có đối thủ trong làng bóng Đức, nhưng nguyên nhân bao trùm vẫn chỉ là sự giàu mạnh. Đâu đó tại Bundesliga, hễ có một ngôi sao sáng nổi lên thì Bayern chẳng phải mời chào. Chính ngôi sao ấy sẽ tự tuyên bố là mình ao ước khoác áo Bayern.
Đội bóng của ngôi sao ấy đương nhiên không đủ khả năng tài chính để chống tình trạng chảy máu tài năng. Chỉ có đội bóng xứ Bavaria đủ sức chi tiền chuyển nhượng khoảng 20-30 triệu euro, chi lương khoảng 200.000 euro mỗi tuần. Ngôi sao, HLV hoặc giám đốc giỏi đều tự tìm đến Bayern. Thậm chí, tiền bạc cũng tự tìm đến Bayern.
Một mặt, Bayern nằm trong số vài CLB giàu nhất thế giới, cỡ Real Madrid, Barcelona hoặc M.U. Mặt khác, các đội còn lại ở Đức thì chẳng những nghèo, mà họ còn bị trói buộc bởi cái cơ chế cũ kỹ, khiến chẳng ai giàu lên nổi. Năm ngoái, Dortmund nổi đình nổi đám, vào đến chung kết Champions League.
|
Rút cuộc, họ cũng nhanh chóng sụp đổ, mèo lại hoàn mèo sau khi "thần đồng" Mario Goetze bỏ sang Bayern. Bóng đá Đức vẫn chỉ có mỗi Bayern đủ sức tranh ngôi vô địch Champions League. Tất cả là do quy định "50+1". Ở Đức, CLB bóng đá vẫn phải thuộc sở hữu công cộng. Không có cá nhân nào được phép giữ đến phân nửa số cổ phiếu ở một CLB bóng đá.
Thế nên, đương nhiên là các tỷ phú không muốn (và cũng không được) đầu tư vào bóng đá Đức, như kiểu Roman Abramovich ở Chelsea hoặc các tỷ phú Ả Rập ở Manchester City, PSG. Lạ ở chỗ, quy định "50+1" chi phối Bundesliga bởi chính các đội bóng muốn vậy. Dortmund, Schalke, Leverkusen, Werder Bremen... vẫn đang hài lòng với những gì hiện có.
Cách đây vài năm, CLB Hannover đề xuất thay đổi hoặc hủy bỏ quy định "50+1". Mỗi khi có những đề xuất như vậy, DFL phải tổ chức bỏ phiếu trong phiên họp thường niên. Kết quả: trong tổng số các CLB ở 2 đẳng cấp cao nhất của bóng đá Đức, chỉ có 1 phiếu thuận (đấy dĩ nhiên là phiếu của Hannover)!
|
Mới đây, cũng trong một phiên họp tương tự, bóng đá Đức đã quyết định "giữ nguyên hiện trạng", trước đề nghị sự dụng thiết bị khoa học để xem bóng đã qua vạch hay chưa. Giải Premier League của Anh đã dùng.
World Cup 2014 cũng dùng hệ thống thiết bị như thế. Mặc kệ, giới bóng đá Đức vẫn chỉ muốn dùng cặp mắt trận của trọng tài để phán xét mọi chuyện. Đấy cũng là câu chuyện nói lên tính bảo thủ của bóng đá Đức.
Người Đức hài lòng với những gì hiện có: Bayern bá chủ hoàn toàn, 17 đội còn lại tranh 3 suất khác dự Champions League. Cũng tốt. Nhưng, đừng bao giờ bảo Dortmund hoặc Schalke, Leverkusen có thể tranh ngôi vô địch Champions League như Bayern.
Ngũ Viên
Bình luận (0)