Sự hiền hòa của Sói - Kỳ 27

20/07/2009 10:45 GMT+7

(TNTT>) Nhưng các nhà buôn hành nghề tự do trả giá cao hơn so với công ty, thế nên người đặt bẫy có quyền nhận giá này, phải không? Rồi sau đó anh ấy có thể chăm lo cho gia đình mình”.

“Dĩ nhiên là anh ấy được quyền làm thế. Nhưng rồi anh ấy phải chịu rủi ro là nhà buôn hành nghề tự do đó có thể không có mặt năm sau – anh ấy không thể dựa vào người kia theo cách anh dựa vào công ty”.

Maria vẫn khăng khăng: “Nhưng Công ty khuyến khích người da đỏ làm ăn với họ chịu lệ thuộc vào rượu và giữ độc quyền bán rượu để họ luôn quay lại, đúng vậy không?”.

Donald cảm thấy máu dồn lên cổ nóng bừng. Giọng anh nghe có vẻ khá tức giận: “Công ty không khuyến khích chuyện gì như vậy. Người đặt bẫy muốn làm gì tùy thích, họ không bị ép buộc làm gì cả”.

Susannah quay qua cô chị: “Đó là lời kết án kinh khủng. Hơn nữa, không phải là lỗi của anh Moody nếu có chuyện này”.

Maria nhún vai, tỏ vẻ không được thuyết phục.

Donald bước ra ngoài, để không khí làm nguội mặt mình. Anh sẽ cố tìm gặp một mình Susannah sau – không thể nào trò chuyện với sự hiện diện của cái cô Maria khó chịu. Anh châm lửa dọc tẩu để trấn tĩnh, và thấy Jacob trong nhà kho, đang nói chuyện với con ngựa của anh ta trong thứ ngôn ngữ vô nghĩa.

“Chào anh Moody”.

“Chào. Anh ngủ ngon không?”.

Jacob lộ vẻ khó hiểu, như anh vẫn thường lộ vẻ như vậy đối với câu hỏi này. Anh đã ngủ – còn chuyện gì khác để nói nữa? Anh cũng nằm thao thức, nghĩ về người bị hại và cái chết của người chiến binh mà anh đã thấy ở quê nhà, trên chiếc giường của ông này. Tuy thế, anh gật đầu để làm cho Donald vui.

“Jacob, anh có thích làm việc cho công ty không?”.

Lại thêm một câu hỏi kỳ khôi.

“Có”.

“Anh không thích làm việc cho người khác – như là nhà buôn hành nghề tự do – phải không?”.

Jacob nhún vai: “Bây giờ thì không – với gia đình tôi. Khi đi vắng, tôi biết họ an lành và không bị bỏ đói. Còn hàng hóa của công ty thì rẻ – rẻ hơn nhiều so với bên ngoài”.

“Thế thì làm việc cho công ty là tốt, phải không?”.

“Tôi nghĩ vậy. Mà này, anh muốn đi hả?”.

Donald cười lớn, lắc đầu, rồi tự hỏi tại sao chính mình chưa từng mang ý nghĩ này. Bởi vì anh không có chỗ nào khác?

Có lẽ cũng không có chỗ nào khác cho Jacob – cha anh là một nhân viên công ty, người tải hàng, và Jacob bắt đầu làm việc lúc mười bốn tuổi. Cha anh qua đời sớm. Bây giờ anh thắc mắc có phải ông ấy bị tai nạn hay không, nhưng giống như nhiều khía cạnh khác trong đời Jacob, anh không thể tìm ra cơ hội thuận tiện để hỏi.

Lý do Donald trở nên bất an là vì Maria đúng lý khi nói công ty luôn muốn giữ thế độc quyền – nhưng họ có lý do khi sợ bị cạnh tranh. Do chán ngán hàng thế kỷ chịu sự độc quyền trong những vùng hoang dã, một số nhà buôn lông thú độc lập – chủ yếu là người Pháp và người Mỹ – đang cố phá thế độc quyền của công ty. Đã có những nhóm đối thủ nhỏ, nhưng công ty đều trấn áp hoặc dập tắt tất cả bọn họ. Nhưng liên minh mới này, có tên công ty Bắc Mỹ, khiến cho các nhà quản trị lo lắng. Nhờ có nhiều túi tiền rủng rỉnh tài trợ, họ phớt lờ các quy định (ý nói là các quy định của công ty). Các nhà buôn trả giá cao cho người đặt bẫy và bắt những người này cam kết sẽ không bán sản phẩm cho công ty nữa. Có lẽ họ vừa hối lộ vừa đe dọa – hơn là có lẽ, bởi vì chính công ty cũng làm theo cả hai cách. Vì thế mà cả nền mậu dịch và lợi nhuận đều sụt giảm.

Nhiều lần Mackinley đã thảo luận căng thẳng với Donald về bản chất xảo quyệt của các nhà buôn hành nghề tự do, và sự cần thiết phải trói buộc dân bản địa vào công ty bằng rượu, súng đạn và thực phẩm. Đấy là chuyện khiến cho máu dồn lên mặt của Donald – lời kết án của Maria là khá chính xác. Nhưng nó không tệ hại hơn so với những gì người Mỹ đang làm. Đáng lẽ anh phải kể cho Maria nghe về ngôi làng người da đỏ nhờ có pháo đài mà có thực phẩm và sự bảo vệ. Đáng lẽ anh phải kể cho cô nghe về vợ và hai con của Jacob với đôi mắt toát lên niềm tin tưởng, nhưng, như mọi khi, anh không nghĩ ra những chuyện này vào thời điểm thích hợp.

Chính trong một cuộc trao đổi với Mackinley mà Donald nghĩ ra: có lẽ vấn nạn giảm lợi nhuận bắt nguồn từ một nguyên nhân cơ bản hơn là từ lòng tham của người Mỹ. Việc đặt bẫy bắt thú rừng đã diễn ra hơn hai trăm năm, và đã gây tổn hại. Khi công ty thiết lập những thương điếm đầu tiên, thú rừng sinh sống sung túc trong các vùng chung quanh, nhưng lòng tham về lợi nhuận càng ngày càng đẩy thú rừng vào chốn hoang dã hơn. Từ khi tham quan nhà kho lông thú cùng với Bell, Donald chưa từng thấy con chồn bạc thứ hai, và cũng chưa từng thấy chồn đen. Không ai mang đến đây bán.

(còn tiếp)

Tác giả: Steff Penney / Người dịch: Diệp Minh Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.