Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội giải trình mùa giải thảm họa

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
12/09/2021 06:30 GMT+7

Kết quả cuộc thi ảnh nghệ thuật lần thứ 51 của Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội vừa đưa lên trang web đã gây làn sóng phẫn nộ trong những nhiếp ảnh gia chụp ảnh có nghề.

Tác phẩm giải nhất Chúc mừng sinh nhật mẹ của Vũ Thị Thúy Hà bị tố là bị chỉnh sửa. Hình ảnh nữ nhân viên y tế trên góc xa màn hình là hình ảnh trực diện, chỉ có khi để máy tính vuông góc và ngang với khuôn mặt. Tuy nhiên, nữ nhân viên này lại đang để máy tính bảng thấp hơn mặt và hơi nghiêng. Chính vì thế, tuy là muốn tôn vinh những chiến sĩ áo trắng, song tác phẩm bị đánh giá là “đánh lừa cảm xúc của người xem”.

Tác phẩm giải ba có tên Tình yêu Tổ quốc của Lê Thị An Thu chụp ngày bầu cử lại mắc lỗi cắt cụt tiêu ngữ và chữ trên phông. Trong ảnh chỉ có “nghĩa Việt Nam muôn năm” mà không có phần trước của khẩu hiệu này… Đây có thể nói là lỗi tối kỵ khi chụp các sự kiện chính trị.

Bức ảnh chụp ngày bầu cử nhưng lại gọi đại biểu là "ại" "iểu"

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội thường gây rắc rối làm giảm uy tín nghề nghiệp qua các cuộc thi. Năm 2016, huy chương vàng trao cho tác phẩm Họa sĩ Phan Kế An của tác giả Nguyễn Đắc Như đã bị rút lại với lý do tác phẩm chỉnh sửa, lắp ghép. Năm 2019, tác phẩm được huy chương vàng “con bay con đậu” cho thấy việc bắt khoảnh khắc kém của tác giả. Năm 2020 đánh dấu một mùa giải ảnh siêu xấu, đến mức nhà phê bình Vũ Huyến phải nói đến việc “các mối quan hệ thân quen gửi gắm trong kinh tế cũng có trong nghệ thuật. Nghệ thuật cũng có nhóm lợi ích”…
Chiều 8.9, toàn bộ kết quả của cuộc thi ảnh nghệ thuật lần thứ 51 của Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội đã không còn trên trang web tại địa chỉ http://www.anhnghethuathanoi.com/.

Phim tài liệu Ranh giới chạm đến tận cùng cảm xúc

Bật khóc, sợ hãi, rùng mình, biết ơn và trân trọng là những trạng thái cảm xúc của nhiều khán giả khi xem những thước phim đầy ám ảnh của bộ phim tài liệu Ranh giới, được phát trong chương trình VTV đặc biệt vào tối 8.9.
Cuối tháng 7 vừa qua, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và 4 đồng nghiệp của Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam đã có một chuyến công tác đặc biệt. Họ đã tới nơi đang là điểm nóng nhất về dịch bệnh Covid-19 của cả nước - TP.HCM. 5 người chia thành 2 nhóm: một nhóm tác nghiệp tại các bệnh viện dã chiến, thực hiện phóng sự; nhóm còn lại gồm đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và quay phim Việt Phong đã tới khu K1, Bệnh viện Hùng Vương, nơi điều trị những sản phụ F0 lớn nhất tại TP.HCM.

Những y bác sĩ, cán bộ nhân viên tranh thủ ăn, ngủ khi có thể

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Không có bất kỳ lời bình nào, Ranh giới mang đến những thước phim được ghi lại trong hàng chục ngày tại khu K1, Bệnh viện Hùng Vương.
Những hình ảnh khiến người xem như thấy thực tế khủng khiếp của dịch bệnh đang diễn ra trước mắt mình. Và người xem càng thêm xót xa hơn khi những người nhiễm Covid-19 ở đây là những sản phụ, những người phụ nữ đang ở trong tình trạng yếu đuối về thể chất và mong manh về tinh thần. Những y bác sĩ, nhân viên y tế luôn phải chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Những hình ảnh gây ám ảnh có thể khiến chúng ta ý thức hơn về sự nguy hiểm của dịch bệnh, sự cần thiết của việc bảo vệ an toàn cho mình và cộng đồng, và cũng để biết trân trọng cuộc sống, hơi thở của mình nhiều hơn!

Hai nhà văn quân đội từ trần

Nhà văn Lê Thành Chơn, một cựu thiếu tá quân đội và là một doanh nhân, đã trút hơi thở cuối vào lúc 13 giờ ngày 10.9.

Nhà văn Lê Thành Chơn luôn có lòng nhân và tính cách hào hiệp

ẢNH: T.L

Nhà văn quân đội Lê Thành Chơn sinh năm 1938 xã Tân Mỹ, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang trong gia đình nông dân có gốc gác từ miền Trung. Năm 1954, sau Hiệp định Genève, Lê Thành Chơn lên đường tập kết ra miền Bắc. Ngày 1.5.1960, ông là chiến sĩ duy nhất, cùng với 6 sĩ quan được triệu tập về Trường Văn hóa Quân đội. Sau khóa học, ông được cử đi học một khóa 6 tháng tiêu đồ gần (đánh dấu đường bay trên bàn dẫn đường tại Sở chỉ huy) tại Trung Quốc.
Như một người có duyên nợ với bầu trời, nhà văn nhanh chóng được tuyển dụng tham gia vào lực lượng không quân và trở thành phi công chiến đấu lái Mig 17 đối đầu với đủ các loại máy bay hiện đại của Mỹ. Vì vậy khi trở thành nhà văn, ông đa tài với nhiều thể loại văn học, là tác giả của nhiều tiểu thuyết nhiều tập về đề tài sở trường cùa mình là không quân Việt Nam.
Cuộc đời ông có nhiều tác phẩm được bạn đọc yêu thích và ông từng vinh dự nhận nhiều phần thưởng có giá trị như giải thưởng tiểu thuyết do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2000, tặng thưởng cuộc thi viết tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (1998 - 2000), tặng thưởng của Ban An ninh quốc phòng - Hội Nhà văn Việt Nam 1996.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã ra đi vào trưa 10.9

ẢNH: T.L

Trưa ngày 10.9, cây bút xuất sắc về chiến tranh biên giới Tây Nam Nguyễn Quốc Trung đã ra đi tại Bệnh viện quân y 175 (TP.HCM) do nhiễm Covid-19.
Nhà văn Nguyễn Quốc Trung sinh năm 1956 tại Sơn Ninh, Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ông từng đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Báo Sài Gòn Giải Phóng năm 1982, nhận giải thưởng văn học sông Mê Kông lần thứ nhất, giải thưởng của Bộ Quốc phòng về văn học nghệ thuật và nhiều giải thưởng văn học khác của Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam).
Là một nhà văn sáng tạo không ngừng, ông lần lượt trình làng 5 tiểu thuyết gây xôn xao dư luận: Biên giới, Bên rừng thốt nốt, Thời chúng mình yêu nhau, Người trong cõi người, Đất không đổi màu cùng 5 tập truyện ngắn.

Bộ VH-TT-DL yêu cầu rà soát trợ cấp nghệ sĩ tránh sai đối tượng như Hồng Đăng

Bộ VH-TT-DL vừa ra Văn bản số 3250 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với nghệ sĩ, diễn viên theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
Theo đó, Bộ này đề nghị trong quá trình rà soát các đối tượng được trợ cấp nghệ sĩ để thực hiện hỗ trợ, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của tập thể đơn vị. Các đơn vị cũng không áp dụng một cách cứng nhắc, dập khuôn để việc hỗ trợ được kịp thời, đúng đối tượng, phù hợp hoàn cảnh của từng nghệ sĩ, diễn viên và không làm phát sinh thủ tục hành chính.

Diễn viên Hồng Đăng cũng bất ngờ khi có tên trong danh sách nhận trợ cấp

ẢNH: T.L

Trước đó, khi thực hiện việc hỗ trợ cho nghệ sĩ khó khăn vì Covid-19, đã có những đơn vị máy móc áp dụng, điều này dẫn đến việc có những nghệ sĩ tuy có của ăn của để nhưng vẫn trong danh sách. Thêm vào đó, do việc lập danh sách không công khai lấy ý kiến nên chính nghệ sĩ được nhận trợ cấp khó khăn cũng bất ngờ khi thấy tên mình trong danh sách.
Một trong số những nghệ sĩ đó là diễn viên Hồng Đăng của Nhà hát kịch Hà Nội. Có ý kiến cho rằng nam nghệ sĩ được nhận trợ cấp là đúng chính sách. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nam nghệ sĩ có nhà, có bộ sưu tập xe, nghĩa là có của ăn của để, nên việc trợ cấp khó khăn không đúng đối tượng. Có những nghệ sĩ khác khó khăn hơn nhiều, dù không cùng bậc lương thấp như Hồng Đăng.

Trấn Thành bất ngờ tung sao kê 1.000 trang từ 9 tỉ đồng quyên góp từ thiện

Chiều 7.9, Trấn Thành đã quyết định công khai 1.000 tờ sao kê thành 10 bài đăng trên Facebook liên quan đến số tiền cứu trợ miền Trung hơn 9 tỉ đồng quyên góp từ mọi người vào năm ngoái.
Bài đăng sao kê của Trấn Thành đã "gây sốt” mạng xã hội. Trước đó, Trấn Thành bị nữ đại gia - doanh nhân tố anh kêu gọi được 120 tỉ đồng chứ không phải 9 tỉ đồng như công bố, nên đã thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng mạng.

Trấn Thành chính thức tung 1.000 trang sao kê giữa ồn ào bị tố không minh bạch từ thiện

ẢNH: NSCC

Nam nghệ sĩ nói rõ lý do: “Tôi chọn sao kê là vì muốn gửi đến toàn thể những khán giả đã yêu thương Trấn Thành một câu trả lời thỏa đáng khi đã đặt niềm tin nơi tôi, chứ không theo yêu cầu của một cá nhân nào cả”.
Trấn Thành quyết định công khai bản sao kê ngân hàng tại Vietcombank với số tài khoản 007100 1121 888 mà anh đã dùng để "kêu gọi từ thiện" (KGTT) cho đợt bão lũ miền Trung trong 4 ngày từ 15.10.2020 - 18.10.2020.

Nước Pháp thương tiếc "báu vật quốc gia" Jean-Paul Belmondo

Jean-Paul Belmondo, ngôi sao điện ảnh “Làn sóng mới” của Pháp với sự nghiệp 63 năm, qua đời ngày 6.9 tại nhà riêng (Paris) ở tuổi 88.
Ông là nhân vật hàng đầu của điện ảnh Pháp được công chúng tiếc thương trên khắp đất nước. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tweet rằng nước Pháp vừa mất một "báu vật quốc gia".
Là một diễn viên tài năng, thường tự mình thực hiện các pha nguy hiểm, Jean-Paul Belmondo chuyển sang đóng nhiều phim điện ảnh vào những năm 1960-1970 và trở thành một trong những diễn viên vào vai người hùng hành động và hài hàng đầu của Pháp.

Lễ tang ngôi sao điện ảnh Pháp Jean-Paul Belmondo ngày 9.9 ở Paris

ẢNH: REUTERS

Jean-Paul Belmondo sinh ngày 9.4.1933 tại Neuilly-sur-Seine (Pháp), là con trai của nhà điêu khắc lừng danh Paul Belmondo và họa sĩ Sarah Rainaud-Richard.
Jean-Paul Belmondo lần đầu tiên được ca ngợi trong phim Sois belle et tais-toi vào năm 1958 rồi À double tour của Claude Chabrol, À bout de souffle của Jean-Luc Godard năm 1959. Đặc biệt, vai diễn Michel Poiccard trong À bout de souffle của đạo diễn Godard đã giúp ông trở thành ngôi sao quốc tế.
Khán giả khó thể quên được hình ảnh nhân vật Jean Valjean do Jean-Paul Belmondo đóng trong phim Les Misérable do Claude Lelouch đạo diễn, ra rạp năm 1995. Bộ phim sau cùng ông tham gia là Un homme et son chien do Francis Huster chỉ đạo khởi chiếu năm 2009. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.