Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Rạp phim, sân khấu TP.HCM đóng cửa vì Covid-19

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
09/05/2021 06:00 GMT+7

Từ 18 giờ ngày 3.5, TP.HCM tạm dừng các dịch vụ massage, xông hơi, sân khấu kịch, rạp chiếu phim, kinh doanh trò chơi điện tử... để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 .

Hàng loạt bộ phim, vở kịch bị hoãn

Hay tin các rạp phim phải ngừng hoạt động sau 18 giờ ngày 3.5 khi phim Trạng Tí phiêu lưu ký mới vừa công chiếu dịp lễ 30.4 và 1.5, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân không khỏi bất ngờ. Ngoài Trạng Tí phiêu lưu ký, phim Thiên thần hộ mệnh của đạo diễn Victor Vũ cũng chịu thiệt hại không kém khi bộ phim vừa công chiếu được hai ngày. Trước đó, Victor Vũ cũng thẳng thắn bộc bạch nỗi niềm khi làm phim mùa dịch. Dự kiến họp báo ra mắt vào ngày 6.5, tác phẩm Bẫy ngọt ngào do Minh Hằng đầu tư cũng phải hoãn lịch đột ngột.
Từ 18 giờ ngày 3.5, nhiều sân khấu kịch lẫn phòng trà cải lương ở TP.HCM phải đóng cửa, “nín thở” chờ chỉ thị mới của UBND TP.HCM. Mở cửa trở lại sau tết Nguyên đán 2021 chưa được bao lâu, nay Sân khấu nhỏ 5B của “bà bầu” Mỹ Uyên phải tiếp tục đóng cửa. Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cũng phát đi thông báo lịch diễn sẽ tạm ngưng và chờ “cho đến khi có chỉ thị mới”. Đối với những vé đã mua, ban tổ chức sẽ liên hệ với khán giả để giải quyết. Lịch diễn hiện tại của Sân khấu Idecaf phải ngưng toàn bộ, hoạt động bán vé trước rạp cũng ngưng, phía sân khấu cũng chờ chỉ thị mới của thành phố.
NSND Bạch Tuyết, NSƯT Diệu Hiền chuẩn bị tập dợt vào ngày 5.5 tới tại phòng trà We (Q.3) cho đêm diễn Gửi người tri kỷ 2 vào ngày 6.5 nhưng trước chỉ thị mới, quản lý của NSND Bạch Tuyết cho biết đêm nhạc không thể diễn ra.

Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn, chờ đến bao giờ?

Sau hơn một thập niên “nằm im trên giấy”, dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) không chỉ khiến người dân bức xúc vì nhu cầu cấp thiết trong sửa chữa nhà ở mà còn gây ra hàng loạt hệ lụy do công tác quản lý di tích nhiều bất cập.
Ngày 24.12.2018, Ngũ Hành Sơn được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt bởi những giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan và khảo cổ. Tháng 4.2020, Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Tiếp đó, Sở VH-TT TP.Đà Nẵng phê duyệt nhiệm vụ khảo sát và thực hiện.
Từ năm 2009, UBND TP.Đà Nẵng đã có quyết định về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn; tổng diện tích gần 139 ha. Thế nhưng, đã hơn một thập kỷ trôi qua, dự án này vẫn “đứng bánh” gây ra nhiều bức xúc trong người dân. Trong khi người dân mòn mỏi chờ đợi thì các hoạt động triển khai dự án vẫn “đắp chiếu”. Không chỉ vậy, trong thời gian dự án “treo”, việc bảo vệ, bảo tồn di tích đã phát sinh nhiều hệ lụy.

Hơn 1 thập niên quy hoạch, Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn vẫn chưa nên hình hài kéo theo nhiều hệ lụy

ẢNH: HOÀNG SƠN

Dù Thủ tướng đã xếp hạng danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn là di tích quốc gia đặc biệt nhưng tiến độ thực hiện quy hoạch vẫn ì ạch. Đến tháng 5.2020, UBND TP có kết luận giao Sở VH-TT đôn đốc dự án quy hoạch. Tháng 8.2020, ngành chức năng TP mới ký hợp đồng với đơn vị khảo sát lập quy hoạch. Theo tiến độ do Sở VH-TT đề ra, trong tháng 5 tới, Đà Nẵng sẽ trình Bộ VH-TT-DL thẩm định; báo cáo hội đồng thẩm định và hoàn thiện quy hoạch di tích. Và trong tháng 6, TP sẽ trình Thủ tướng phê duyệt đồ án quy hoạch. Tuy nhiên, tiến độ tiếp tục bị chậm.
Ông Hà Vỹ, Phó giám đốc Sở VH-TT, cho biết theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh tại cuộc họp báo cáo tiến độ (vào ngày 22.4 vừa qua) thì đến giữa tháng 5 này mới báo cáo Thường trực Thành ủy về đồ án quy hoạch công viên. Vào đầu tháng 3 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng ký quyết định điều chỉnh danh mục các dự án trọng điểm thu hút đầu tư giai đoạn 2020 - 2025, trong đó kêu gọi đầu tư dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.000 tỉ đồng. Với tiến độ mới chỉ hoàn thành khảo sát lập quy hoạch, người dân trong vùng dự án chắc chắn sẽ phải tiếp tục… chờ!

Sử thi bằng hội họa với 4.500 nhân vật

Ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho rằng tác phẩm về Điện Biên Phủ với 4.500 nhân vật là một sử thi hội họa và càng đáng giá hơn khi do người trẻ vẽ.
Tác phẩm mỹ thuật Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (TP.Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã hoàn thành và được hội đồng nghệ thuật thông qua ngày 4.5. Theo ông Nguyễn Văn Mạc, Giám đốc Công ty Bảo tồn di sản văn hóa, ông và cộng sự đã phải chịu nhiều sức ép trong suốt 3 năm thực hiện tác phẩm.
Ông Mạc đã chia bức tranh hoành tráng này ra thành từng trường đoạn. Mở màn là Toàn quân ra trận. Trường đoạn thứ hai, Khúc dạo đầu hùng tráng, nói về trận đánh mở màn ở đồi Him Lam. Trường đoạn ba, Cuộc đối đầu lịch sử, tái hiện trận đánh ở đồi A1. Trường đoạn bốn là Khải hoàn. Điện Biên Phủ vì thế là tác phẩm nghệ thuật đồng hiện, miêu tả toàn cảnh chiến trường Điện Biên tại nhiều thời điểm, từ cuối năm 1953 cho đến ngày 7.5.1954.

Một đoạn trích của tác phẩm Điện Biên Phủ

ẢNH: TRINH NGUYỄN

Điện Biên Phủ khi hoàn thành có chiều dài 132 m, cao hơn 9 m cùng phần mái vòm. Tổng diện tích tác phẩm gồm 2.500 m2 tranh và 700 m2 sắp đặt. Tác phẩm được thực hiện với khoảng 30 họa sĩ vẽ liên tục. Thêm vào đó là một số họa sĩ tham gia tùy từng thời điểm. Ông Mạc cho biết các họa sĩ thực hiện đều rất trẻ, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Việt Nam. Trưởng nhóm họa sĩ, anh Nguyễn Văn Nghĩa là người thuộc thế hệ 8X.

Tìm kiếm chất liệu cho Hoàng Cầm 100 năm

Hoàng Cầm 100 năm là dự án kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Hoàng Cầm (1922 - 2022), được gia đình (đại diện là Bùi Huệ Chi, cháu nội của nhà thơ Hoàng Cầm, hiện sinh sống và công tác trong ngành văn hóa, nghệ thuật, sản xuất phim điện ảnh tại TP.HCM) khởi xướng nhân dịp tưởng nhớ 11 năm ngày ông 'về bên kia sông Đuống' (6.5.2010 - 6.5.2021).

Dự án Hoàng Cầm 100 năm

ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Với Hoàng Cầm 100 năm (HC100), ước nguyện của gia đình là “tìm những chất liệu văn học phù hợp và hình thức thể hiện đương đại, nhằm chia sẻ về một dự án HC100 theo lăng kính của những người trưởng thành yêu văn chương, đồng thời tìm hướng đi khác trong tôn vinh nghệ thuật - văn hóa xứ Kinh Bắc nói riêng, cũng như nước Việt trong 100 năm qua”.

Triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tác phẩm điện ảnh

Nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2021), 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 - 5.6.2021) và 67 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2021), Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM (Sở VH-TT TP.HCM) phối hợp cùng Nhà văn hóa Điện ảnh tại TP.HCM khai mạc triển lãm Hình ảnh và hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tác phẩm điện ảnh vào sáng 7.5.
Triển lãm giới thiệu đến công chúng 140 bức ảnh, áp phích phim… về cuộc đời hoạt động của Bác, được ghi lại qua các tài liệu, tư liệu tác phẩm điện ảnh lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam với nhiều nội dung.

Một số hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tác phẩm điện ảnh được giới thiệu tại triển lãm

ẢNH: QUỲNH TRÂN

Ban tổ chức cũng lần lượt chiếu hai bộ phim tài liệu nổi tiếng từng nhận giải thưởng cao ở các LHP Việt Nam: Đường về Tổ quốc (kịch bản Hồng Hà, đạo diễn Bùi Đình Hạc; giải thưởng Bông sen vàng đặc biệt LHP Việt Nam lần thứ V), Hồ Chí Minh - chân dung một con người (biên kịch Bành Bảo, đạo diễn Bùi Đình Hạc; giải thưởng Bông sen vàng LHP Việt Nam lần thứ IX). Triển lãm diễn ra từ nay đến ngày 24.5 tại số 1 Nguyễn Tất Thành, Q.4, TP.HCM.

Ấn Độ lập quỹ điện ảnh hỗ trợ hơn 30.000 nhân công Bollywood

Hôm 6.5, đạo diễn Ấn Độ Aditya Chopra, người đứng đầu hãng phim Yash Raj, đã lập quỹ Yash Chopra Saathi Initiative để giúp đỡ cho 30.000 nhân công trong ngành công nghiệp phim ảnh nước này.
Ông Aditya Chopra lập ra quỹ Yash Chopra Saathi Initiative nhằm giúp đỡ tài chính cho những người làm trong ngành công nghiệp phim ảnh Ấn Độ khi quốc gia tỉ dân này có số lượng người mắc Covid-19 tăng kỷ lục thời gian qua. Phụ nữ và những người cao tuổi sẽ được ưu tiên giúp đỡ với số tiền 68 USD/người (gần 1,6 triệu đồng).

Đợt tái bùng phát Covid-19 ở Ấn Độ ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hàng ngàn người vốn đóng vai trò chính yếu trong ngành công nghiệp phim ảnh

ẢNH: SHUTTERSTOCK

Hồi năm rồi, trong đợt phong tỏa đầu tiên của đất nước, nhà làm phim Aditya Chopra đã ra mắt một quỹ tài chính tương tự để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 như năm nay.
Đợt tái bùng phát dịch Covid-19 tại Ấn Độ thời gian qua đã làm ảnh hưởng rất lớn đến công việc của những người làm cho Bollywood. Hiện tại ngành công nghiệp này đang "tê cứng" vì ảnh hưởng của đại dịch. Số ca mắc mới hằng ngày của Ấn Độ vẫn không ngừng tăng cao, hằng ngày vẫn ghi nhận trung bình hơn 400.000 ca, với gần 4.000 người chết.
Nhà làm phim Aditya Chopra cũng viết thư thỉnh cầu chính quyền với mong muốn hãng phim của mình thông qua quỹ hỗ trợ tài chính có thể mua hàng ngàn liều vaccine cho những người đang làm trong ngành công nghiêp phim ảnh Bollywood, đặc biệt là những người ở Mumbai, trong thời gian sớm nhất nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 trong ngành.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.