Sự 'lầy' của dân nhậu

Công Nguyên
Công Nguyên
06/01/2020 06:46 GMT+7

Kể những câu chuyện này để thấy, thay vì chấp hành, nhiều 'dân nhậu' lại nghĩ ra cách để đối phó với CSGT.

Những ngày qua, khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1.1.2020, nhiều đêm PV Thanh Niên theo chân lực lượng CSGT TP.HCM và chứng kiến nhiều tình huống “lầy” của những người say xỉn.
Hầu hết dân nhậu đều biết uống rượu bia lái xe là phạm luật, bị phạt rất nặng nhưng viện nhiều lý do khi bị CSGT phát hiện. Khuya 1.1, đúng ngày Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, T.N.H (quê Bình Thuận) điều khiển xe máy lưu thông trên đường Man Thiện (Q.9) thì bị tổ CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra. Kết quả cho thấy nồng độ cồn 0,250 mg/l khí thở của H. Lấy lý do vui đón Tết dương lịch nên có uống vài ly bia để “năn nỉ”, khi CSGT kiên quyết lập biên bản thì H. gọi điện bạn nhậu gần đó tới đưa tiền cho CSGT để xin bỏ qua. Một câu chuyện cũng “lầy lội” không kém: Khuya 4.1, tài xế ô tô đi đến Trạm thu phí xa lộ Hà Nội phát hiện CSGT kiểm tra nồng độ cồn, lập tức dừng xe, tung cửa bỏ chạy. Tổ tuần tra đã phát hiện, truy đuổi, giữ được tài xế. Kết quả, nồng độ cồn của tài xế này 0,177 mg/l khí thở. Với mức vi phạm này, tài xế ô tô bị phạt 7 triệu, tước bằng lái 11 tháng, giam xe 7 ngày...
Kể những câu chuyện này để thấy, thay vì chấp hành, nhiều người lại nghĩ ra cách để đối phó với CSGT sau khi uống rượu bia như: “cố thủ” trong quán chờ CSGT làm xong mới ra về; dắt bộ đi ngang tổ CSGT để không bị xử phạt; bỏ chạy luôn khi bị phát hiện; bỏ xe không hợp tác kiểm tra nồng độ cồn
Uống rượu bia một cách chừng mực trong các cuộc vui cùng bạn bè, đồng nghiệp, gia đình là không ai cấm. Nhưng uống rồi thì hãy chấp hành pháp luật, đừng “cố đấm” lái xe để rồi vừa đi vừa phải ngó nghiêng CSGT nhằm đối phó, rất dễ gây tai nạn cho người khác và chính bản thân mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.