Sự thật về 'nổ túi ngực'

Liên Châu
Liên Châu
10/11/2018 03:57 GMT+7

“Sức bền” của túi ngực là một trong những mối quan tâm của các khách hàng khi lựa chọn dịch vụ phẫu thuật cải thiện vòng 1.

Hiểu đúng về túi ngực
Túi ngực có thể bị rách, bị thủng và chảy silicone trong trường hợp có tổn thương với bao túi ngoài nhưng không thể bị nổ
PGS-TS Vũ Ngọc Lâm
Một bác sĩ về phẫu thuật thẩm mỹ chia sẻ, phẫu thuật đặt túi nâng ngực được nhiều chị em lựa chọn nhưng đồng thời họ cũng thường băn khoăn về sự an toàn và nghi ngại về “nổ” túi ngực.
Thậm chí đó cũng là mối quan tâm của đấng mày râu liên quan chủ nhân túi ngực.
PGS-TS Vũ Ngọc Lâm (công tác tại Trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ và laser thẩm mỹ, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108) cho biết: “Sự cố xảy ra khi túi ngực bị rách và thủng thường gây đau và sưng. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào thể trạng của bệnh nhân, cách phát hiện kịp thời và xử lý đúng. Bản chất túi ngực đặt trong cơ thể một thời gian dài, cơ thể sẽ tự hình thành các mô xơ bao xung quanh vỏ túi. Khi vỏ túi rách và thủng thì chất gel silicone rò rỉ vẫn sẽ nằm trong khoang đó. Do đó, gel này có thể gây kích ứng, gây viêm nhưng không nhiễm và không di chuyển vào cơ thể người. Điều này khác hoàn toàn với phương pháp nâng ngực bằng gel silicone bơm trực tiếp vào cơ thể trước đây vốn nguy hiểm hơn rất nhiều”.
Đề cập đến thông tin lan truyền trên mạng xã hội về một phụ nữ bị “nổ túi ngực” khi đi máy bay sau 7 năm phẫu thuật nâng ngực, chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ - TS Lâm cho hay: “Túi ngực được đặt 7 năm cũng có thể gặp phải những nguy cơ như bị thủng hoặc rách do hoạt động thường ngày và các biến chứng sưng đau có thể trùng hợp với thời gian ở trên máy bay. Điều này có thể dẫn đến tình trạng túi ngực bị rách và chảy chất silicone ra khỏi túi gel, chứ không thể bị nổ”.
“Phương pháp nâng ngực đặt túi silicone hiện nay khá an toàn. Do đó, cụm từ “nổ túi ngực” là không chính xác về mặt chuyên môn. Túi ngực có thể bị rách, bị thủng và chảy silicone trong trường hợp có tổn thương với bao túi ngoài nhưng không thể bị nổ”, TS Lâm khẳng định.
Ông cũng chia sẻ thêm: “Nổ túi ngực khi đi máy bay như một số người lo ngại cũng không có cơ sở, bởi sự thay đổi áp suất máy bay cũng như trong các tình huống khác đều khó có thể xảy ra”.
“Tuổi thọ” của túi nâng ngực
Theo chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ, với sự cố túi ngực có thể xảy ra nêu trên, về mặt chuyên môn, có thể xử lý được bằng cách: sau khi mở khoang, phần gel hư hại sẽ được lấy ra một cách an toàn và vết thương lành lại cũng khá nhanh chóng.
PGS-TS Vũ Ngọc Lâm cho biết: “Thông thường độ bền của túi ngực rất lâu, tuy nhiên độ “lão hóa” của túi là không thể tránh khỏi. Chất liệu của túi ngực sẽ quyết định việc silicone có thể rò rỉ ra bên ngoài hay không sau một thời gian dài sử dụng. Tùy vào chất lượng của túi mà thời gian này sẽ khác nhau, có thể từ 7 đến hơn 10 năm”.
“Biện pháp an toàn và tốt nhất để bệnh nhân có thể kiểm tra được tình trạng của túi ngực là nên thực hiện các cuộc thăm khám định kỳ tại bệnh viện hoặc trung tâm thẩm mỹ sau khi phẫu thuật nâng ngực bằng túi ngực. Các công nghệ hiện nay sẽ giúp bạn biết được khi nào cần phải thay thế túi ngực”, TS Lâm chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.