Sự trở lại của những nhà văn nữ vang bóng

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
09/08/2020 07:47 GMT+7

Nhiều tác phẩm của các nhà văn nữ “vang bóng một thời” vừa xuất hiện trở lại trong một sắc thái mới, cho thấy sự hồi sinh những cuốn sách từng gây xôn xao và rất ăn khách ở Sài Gòn.

Thư ký tờ Tuổi Ngọc “đình đám” trước 1975, nhà thơ Từ Kế Tường cho biết: “Các cây bút nữ thời đó được độc giả chào đón và công nhận tên tuổi không nhiều: Thế hệ trước có Bà Tùng Long, kế tiếp là Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Túy Hồng, Trần Thị NgH... Mỗi người một vẻ và đều có vị thế khác nhau. Ngày ấy, nếu người viết yếu tài năng thì chắc chắn không có chỗ đứng trên các diễn đàn rồi. Và những nhà văn nữ cũng không phải ngoại lệ nên họ có số lượng độc giả của riêng họ”.
Nhà văn Trần Thị NgH (trái) trong một lần giao lưu ra mắt sách tại TP.HCM

Nhà văn Trần Thị NgH (trái) trong một lần giao lưu ra mắt sách tại TP.HCM

PGS-TS Võ Văn Nhơn, chuyên gia ngành văn học Việt Nam hiện đại (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), bổ sung thêm: “Ngoài những tác giả nữ “làm mưa làm gió” như kể trên, tôi nhận thấy còn có Lệ Hằng, Dung Sài Gòn… dù xuất hiện muộn hơn một chút nhưng cũng rất nổi tiếng”.

Cơ duyên sau nhiều lần lỗi hẹn

Việc quyết định chọn dòng sách của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng tái bản được cho là khá… mạo hiểm với Trần Hoàng Minh, “ông chủ” của Công ty văn hóa New Viets non trẻ mới ra đời hơn 1 năm. Nhưng theo anh, đây lại là một cơ duyên. “Tiêu chí của New Viets là cung cấp cho độc giả những cuốn sách hay, mới song song với những cuốn sách có giá trị từng vang bóng trước đây. May mắn trong một lần trò chuyện cùng một nhà văn rất có tiếng ở phía nam, tình cờ tôi nghe anh muốn kết nối New Viets với tác giả Nguyễn Thị Hoàng. Sau nhiều lần gặp gỡ trao đổi, tưởng chừng như… lỗi hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng thống nhất được bản quyền, để tập truyện Trên thiên đường ký ức và tập thơ Mây bay qua trời xưa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho tái xuất, ra mắt độc giả”, Giám đốc New Viets Trần Hoàng Minh chia sẻ.
Cũng theo Trần Hoàng Minh, đây là hai tác phẩm đầu tiên trong chuỗi những tác phẩm mà tác giả đã nhất trí hợp tác xuất bản, chia làm 3 giai đoạn với hơn 10 tác phẩm do chính nữ văn sĩ chọn lọc cho việc chính thức tái xuất hiện sau gần nửa thế kỷ gần như im ắng. “Hiện các bản bìa cứng Trên thiên đường ký ức Mây bay qua trời xưa in rất đẹp, với chữ ký sống và dấu triện tên tác giả được hào hứng chào đón. Độc giả trong nước và ở Mỹ, Úc đều muốn sở hữu bộ bản đặc biệt này”, ông Minh cho biết.
Trước New Viets, đã có một số nhà xuất bản tại Việt Nam từng giới thiệu lại các truyện dài: Chiều mênh mông, Chiều xuống êm đềm, Khung rêu, Cho trận gió kinh thiên, Ngọn pháo bông, Nhang tàn thắp khuya, Như thiên đường lạnh, Thú hoang là những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ. Đặc biệt, nhiều truyện ngắn Lao vào lửa, Mèo đêm thu hút sự quan tâm và thích thú đối với độc giả. Nhà văn Trần Thị NgH cũng có 4 tác phẩm được in: Nhà có cửa khóa trái, Lạc đạn, Nhăn rúm Ác tính.

Mang ý nghĩa về nhân tâm

Khi chọn xuất bản lại những tác phẩm từng vang bóng của các nữ văn sĩ, với bất kỳ đơn vị làm sách nào, ngoài sự háo hức do được tác giả tin cậy gửi gắm tác phẩm thì kèm theo đó cũng là nỗi lo liệu sách có bán được hay không, trong sự kỳ vọng rất lớn của tác giả bởi ánh hào quang xưa. Do đó, việc tìm tòi và “khoác áo mới” cho nhiều tác phẩm hay sau hàng chục năm gián đoạn là cần thiết, giúp cho nhiều thế hệ độc giả tìm lại những ký ức, kỷ niệm một thời và hiểu thêm về lối hành văn và phong cách của từng tác giả. Hiện một số tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Thị NgH, Nguyễn Thị Hoàng đã trở lại và có các buổi giới thiệu sách rất đông người tham dự. Các tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ cũng đã và đang trở thành đối tượng nghiên cứu của một số luận văn thạc sĩ ở các trường đại học.
Nhà thơ Từ Kế Tường cho rằng: “Dòng chảy văn học cũng như con sông lớn có bản sắc vùng miền, mặn, ngọt của vị phù sa châu thổ nơi ấy. Chúng đều có ngóc ngách và hứng chịu nắng mưa, giông bão… để rồi đổ ra biển cả. Một nền văn hóa giống như đại dương phải biết dung nạp, tổng hòa những đặc trưng làm thành nguồn nước. Văn chương mang sắc thái riêng thì mới có màu sắc lấp lánh, tránh sự đồng phục. Vì vậy, không lý gì chúng ta không hội nhập với chính chúng ta. Sự trở lại của các nhà văn nữ nổi tiếng của miền Nam trước đây càng có thêm ý nghĩa về sự hội nhập, mà hơn thế nữa là còn mang tính nhân tâm sâu sắc”.
Tuy nhiên, một số ít nhà nghiên cứu thì tỏ ra thận trọng. Một chuyên gia nói: “Việc in lại tác phẩm của các nhà văn nữ giai đoạn này cần chọn lọc, bởi không phải tất cả các tác phẩm của những nữ văn sĩ này đều “ăn khách” hay phù hợp với thị hiếu độc giả hiện nay. Cái khó là làm sao để in lại được những tác phẩm hay nhưng phải có nhiều góc cạnh, mà để thành công thì phải tìm và giới thiệu cho được những tác phẩm có văn phong lạ, hút độc giả”.
Đồng tình với những quan điểm trên, PGS-TS Võ Văn Nhơn khẳng định: “Việc giới thiệu tác phẩm của những nhà văn nữ từng “tạo sóng” trước đây là tín hiệu tốt. Sự trở lại của họ, theo tôi, nên chọn những tác phẩm đã được đánh giá cao, đã trải qua thời gian bảo chứng. Được như vậy, các nhà xuất bản không chỉ tạo điều kiện để độc giả xưa gặp lại những nhà văn nữ nổi tiếng mình mến mộ trước đây mà còn giới thiệu được thành tựu của văn học miền Nam giai đoạn 1955 - 1975, do nhiều lý do đã chưa được phản ánh đầy đủ và nhìn nhận thỏa đáng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.