Những đoàn xe tải chở đầy cát kéo dài đến đường chân trời của khu công nghiệp phức hợp đang thành hình ở miền Bắc Việt Nam. Xa hơn về phía nam tại Malaysia, những ngôi làng yên tĩnh và các đồn điền dầu cọ đang chuyển mình thành các khu sản xuất công nghệ cao.
Khi các tập đoàn đa quốc gia, chính phủ và các công ty khởi nghiệp chạy đua phát triển AI (trí tuệ nhân tạo), thành lập các trung tâm sản xuất chip, cũng là lúc các hạt mầm công nghệ tương lai được gieo vào các thị trấn khắp Đông Nam Á.
Sự trỗi dậy của các "thị trấn công nghệ"
Theo Bloomberg, hơn 100 tỉ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã được rót vào Malaysia, Việt Nam từ năm 2020 đến 2023 đã tạo ra việc làm và tăng thêm thu nhập đáng kể cho người lao động. Cựu Thứ trưởng Thương mại và đầu tư Malaysia Ong Kian Ming, nói với Bloomberg: "Đông Nam Á trở thành trung tâm công nghệ mới từ đại dịch Covid-19. Khu vực này đang định hình lại ngành sản xuất smartphone, máy tính và máy chủ trung tâm dữ liệu của thế giới. Việc Washington gia tăng cấm vận với Bắc Kinh đã thúc đẩy các công ty tìm kiếm điểm đến mới như Đông Nam Á, Mexico. Điều này làm giàu cho những quốc gia có nguồn lao động dồi dào, chính phủ cởi mở".
Trong khi Malaysia coi đây là cơ hội nghìn năm có một để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam cũng có nhiều hành động cụ thể để nắm bắt thời cơ. Cách Hà Nội khoảng một giờ lái xe, các trung tâm công nghệ cao mới nổi đã tạo ra hơn 37.000 việc làm cho Bắc Ninh trong 4 năm.
Những công ty lớn như Foxconn, GoerTek, Microsoft, Sony... đã rót hơn 20 tỉ USD vào tỉnh này trong thập kỷ qua. Nhiều sản phẩm quan trọng của Apple từ AirPods đến bảng mạch in đã và đang được sản xuất tại đây. GoerTek đang xây dựng khu phức hợp rộng 51 ha, dự kiến tuyển dụng 50.000 lao động, từ bán thời gian đến các vị trí quản lý cấp cao. So với năm ngoái, nhu cầu tìm kiếm lao động tại Bắc Ninh đã tăng 50%.
Malaysia cũng đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài, nắm bắt những tiến bộ công nghệ bằng cách thu hút các công ty lớn như Intel, Lam Research. Nước này đã thành lập một khu thương mại tự do tại Penang, cung cấp các ưu đãi về thuế và lực lượng lao động nói tiếng Anh giá rẻ.
Lee Lian Loo, Giám đốc điều hành của công ty đầu tư Penang, cho biết Batu Kawan là nơi chứng kiến thay đổi rõ ràng nhất. Trước đây, khu này là đồn điền cao su, giờ đã chuyển mình thành nơi đặt trụ sở các công ty lưu trữ dữ liệu lớn của Mỹ như Western Digital, Micron Technology. Các khu công nghiệp của nơi này cũng đang được mở rộng.
Vùng Kedah cách đảo Penang chưa đầy một giờ lái xe trước đây chủ yếu làm nông nghiệp giờ cũng "thay da đổi thịt" khi hàng loạt nhà máy công nghệ mọc lên. Hồi tháng 8, Infineon Technologies AG đã mở một nhà máy trị giá 7,8 tỉ USD để sản xuất chipset quản lý năng lượng silicon carbide tại đây.
Theo các chuyên gia, ngoài địa chính trị ổn định, các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia còn có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, chi phí hấp dẫn. Sự xuất hiện của các nhà máy cũng kéo theo nhiều lĩnh vực khác cùng phát triển như hậu cần, vận tải, sản xuất và dịch vụ. Từ đó làm thay đổi đáng kể bộ mặt của các "thị trấn công nghệ" địa phương.
Bài toán lớn về nhân sự
Bloomberg dẫn lời ông Nguyễn Đức Cao, Phó ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh, cho biết các doanh nghiệp công nghệ cần lực lượng lao động kỹ năng cao. Điều kiện tiên quyết của kỹ sư chip là có bằng cử nhân trở lên. Tuy nhiên hầu hết công nhân địa phương chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông, có đào tạo nghề.
Thực trạng này khiến các "thị trấn công nghệ" trở thành điểm đến hấp dẫn của các kỹ sư quốc tế. Xiaohongshu, nền tảng truyền thông xã hội phổ biến của Trung Quốc tương tự như Instagram, đang rải rác các quảng cáo việc làm tại Bắc Ninh. Các công ty tuyển đủ vị trí, từ công nhân sản xuất đến trợ lý văn phòng, kế toán.
Trong khi đó, tiểu bang Johor của Malaysia, với lợi thế có thể dễ dàng di chuyển qua lại với Singapore đang trở thành vùng đất hứa với các lao động trình độ cao.
Để giải quyết thách thức này, Việt Nam đặt mục tiêu có 50.000 kỹ sư chip vào năm 2030 và khuyến khích học các chương trình nâng cao kỹ năng. Các tỉnh đang hỗ trợ nhiều chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội, dịch vụ y tế, cho các giảng viên, sinh viên trong các chương trình đào tạo.
Malaysia cũng cam kết đào tạo 60.000 kỹ sư để lấp đầy hàng trăm nghìn việc làm mới sẽ xuất hiện trong những năm tới. Mục tiêu lâu dài của các quốc gia Đông Nam Á là chuẩn bị sẵn sàng cả về hạ tầng và con người cho kỷ nguyên công nghệ bùng nổ sắp tới.
Bình luận (0)