3 điều nên tập buông bỏ để năm mới hạnh phúc hơn

Ngọc Quý
Ngọc Quý
27/01/2020 13:47 GMT+7

Khi năm mới đến, nhiều người thường lập ra danh sách các mục tiêu phải hoàn thành. Nhưng bên cạnh nỗ lực với những điều mới mẻ, chúng ta cũng phải buông bỏ những điều cũ, vốn đang ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần .

Để tinh thần cảm thấy thoải mái trong năm mới, mọi người nên buông bỏ những điều sau:

So sánh cuộc sống mình với người khác

Chúng ta hay so sánh cuộc sống mình với người khác và thấy bản thân thật tệ. Tình trạng đặc biệt dễ xảy ra trên mạng xã hội, nơi mà mọi người có xu hướng phơi bày những điều tốt nhất trong cuộc sống mình, theo Huffington Post.
Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu mạng xã hội là nơi để mọi người chia sẻ. Người dùng sẽ chia sẻ một khoảnh khắc tuyệt vời nào đó trong cuộc sống của họ. Tất nhiên, những khoảnh khắc này không phải ngày nào cũng có.
Việc bạn so sánh cuộc sống thường nhật của mình với những khoảnh khắc đặc biệt của người khác là sự so sánh khập khiễng và tốn thời gian, chuyên gia trị liệu tâm lý hôn nhân người Mỹ Ibinye Osibodu-Onyali nói.

Lo lắng về những điều không thể thay đổi

Sẽ không thực tế nếu một ai đó yêu cầu bạn trút bỏ mọi lo lắng và căng thẳng. Những điều này vốn là một phần của cuộc sống. Thay vì vậy, hãy chỉ tập trung vào những lo lắng mà chúng ta có thể thay đổi được bằng hành động.
Khi lo lắng về những gì, chúng ta hãy ngồi xuống và viết những thứ đó ra. Phân chia chúng thành những điều mà bản thân có thể và không thể thay đổi. Tập trung vào hành động để giải quyết những điều mà chúng ta có thể thay đổi.
Trong trường hợp không thể kiểm soát được trạng thái lo lắng quá mức, đặc biệt là với những thứ không thể kiểm soát, hãy tìm đến các chuyên gia trị liệu tâm lý. Đây có thể là dấu hiệu của rối loạn lo âu, một vấn đề tâm lý rất phổ biến, theo Huffington Post.

Muốn thắng trong mọi cuộc xung đột

Chúng ta thường cố tìm cách để chiến thắng, để giành phần đúng về mình trong các cuộc xung đột cãi vã. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta chiến thắng thì hệ quả có thể gây ra những căng thẳng còn lớn hơn, trong khi việc này hoàn toàn có thể tránh khỏi.
Có nhiều lúc, sau trận cãi vã, chúng ta lại nhận thấy mình đã phản ứng thái quá, nói những điều không nên và cảm thấy có lỗi. Thậm chí, lúc ấy cũng không còn ai nhớ đến nguyên nhân châm ngòi cãi vã, hay nguyên nhân đó quá nhỏ nhặt. Những mâu thuẫn này thường dẫn đến sự tự vấn bản thân và những suy nghĩ lo lắng, tiêu cực.
Thay vì cố giành phần thắng, mọi người nên tập trung vào việc tìm ra cách giải quyết với đối phương. Việc này dù khó nhưng có thể tăng niềm vui cho cuộc sống, theo Huffington Post.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.