Bài dự thi cuộc thi viết "Khoảnh khắc nghề y": Con đường vào nghề

01/09/2016 08:49 GMT+7

Hồi bé, chứng kiến ba trong cơn giận đã hất than nóng vào mặt mẹ, anh đau xót vô cùng.

Mỗi lần nhìn vết sẹo đã cướp đi khuôn mặt phúc hậu của mẹ, anh muốn sau này phải làm bác sĩ để tự chăm lo cho người anh thương yêu và những ai không may gặp bất trắc trong cuộc sống.
Mười năm nhen nhóm ước mơ, anh nhận được giấy báo nhập học của một trường y. Anh chọn khoa Bỏng để gửi gắm tương lai dù vấp phải sự giễu cợt của ba mình: "Cả đời bố mày không thèm biết đến bệnh viện. Mày có học nữa cũng chẳng giúp gì cho cái nhà này". Anh vẫn học và ra trường với tấm bằng cử nhân đỏ chót sau những năm tháng khó khăn. Ba anh đêm ngày say xỉn, gây sự với người ta rồi bị đám thanh niên đánh xong bỏ giữa rừng. Người dân đưa ba vào viện trong tình trạng bị cảm và trọng thương. Nhìn ba nằm đấy, anh cảm thấy mình kém cỏi. Điều anh có thể làm là băng bó cho ba chứ không đủ khả năng tự tay chữa trị. Ba mất, trước lúc nhắm mắt xuôi tay, ông nhìn anh bằng con mắt đầy mỉa mai. Anh thấy có lỗi vì không giúp được cho ba, nhưng anh nghĩ mình không vô dụng, bởi khi đó anh mới là sinh viên năm hai.
Ngày chuẩn bị thi tốt nghiệp, anh nghe tin mẹ ốm. Nhưng lập tức có thư mẹ gửi: "Mẹ vẫn khỏe, con yên tâm thi tốt cho mẹ vui lòng". Và anh gồng mình lên học rồi ra trường với tấm bằng giỏi. Ngày anh háo hức trở về thăm mẹ cũng là ngày di ảnh mẹ đã đặt trên bàn thờ cùng ba. Người ta bảo mẹ anh ốm lâu rồi nhưng không chữa trị, dành tiền cho anh ăn học. Anh thấy mình có lỗi thật rồi. Nếu anh không học y thì mẹ anh không vất vả để rồi ra đi khi không kịp nhìn con lần cuối. Rồi anh cũng mạnh mẽ trở lại bởi sự nhiệt huyết dành cho nghề y. Anh xin làm tại bệnh viện huyện ở quê. Anh lập gia đình và những hoài bão dang dở anh đã dần thực hiện được.
Một chiều hè nắng cháy, bệnh viện tiếp nhận ca bỏng của một em nhỏ hai tuổi đang tập chạy không may ngã vào bếp than nóng. Cùng lúc, anh nhận được điện thoại của con gái ở nhà. Anh gấp lắm, nên không nghe máy, nhưng cuộc gọi thứ 4 đến, anh nhấc máy nhanh trước khi việc chữa trị cho đứa bé bắt đầu. Con gái gào khóc khiến anh hoang mang, lời nó nói như tiếng sét đánh vào cuộc đời anh: "Ba ơi, rừng cháy lan vào nhà mình, mẹ ôm con chạy ra ngoài, nhưng mẹ không dậy nữa, ba về cứu mẹ đi". Anh lặng người đi, đầu óc như muốn nổ tung, anh có cảm giác mọi thứ quay cuồng, anh ngã phịch xuống sàn, cũng may cô y tá đứng cạnh đỡ anh dậy. Anh không cho phép mình nhu nhược, một sức mạnh nào đó thôi thúc anh hành động. Con anh bảo hàng xóm đang đưa vợ anh vào viện, anh yên tâm ở lại cứu đứa bé. Mắt anh nhòa đi nhìn nó, những nỗi đau có lẽ nặng hơn nhưng giống với vết thương ngày xưa mẹ anh phải chịu. Anh dốc toàn lực, bỏ qua mọi khó khăn cá nhân, bởi đó là trọng trách của anh. Mọi thứ diễn ra thuận lợi, anh thêm một lần nữa hài lòng về những gì mình đạt được. Anh rời bệnh viện và đến chỗ vợ. Người ta đưa vợ anh đến trạm xá để cấp cứu chứ không dám chuyển lên huyện vì sợ không kịp, bởi bệnh viện huyện cách nhà anh 30 km. Nhìn vợ, anh bủn rủn chân tay, toàn thân rệu rã, bước đi không nổi. Cột gỗ đổ vào đầu, bỏng 70%, mất máu nhiều, và... vợ anh không qua khỏi trên đường đi cấp cứu. Ông trời còn trêu đùa anh đến bao giờ? Vợ mình anh cũng không cứu được, vậy anh làm được gì sau những tuyên bố hùng hồn anh từng nghĩ? Anh ước mơ làm bác sĩ trước tiên là che chở và bảo vệ cho những người anh thương yêu. Ba anh, mẹ anh rồi vợ anh, anh không giúp được ai cả. Anh vô dụng. Anh chôn chiếc áo blouse trắng cùng người vợ đáng thương. Anh bỏ nghề bởi nó trở thành cơn ác mộng chứ không còn là hoài bão nữa. Nghĩ đến nó, anh thấy thật bi hài. Từ đó, mỗi lần dân đau ốm tìm anh nhờ chữa trị, anh không làm, họ phải đi xa hàng km đường đồi núi đến bệnh viện. Anh kệ, mọi thứ liên quan đến nghề y anh đoạn tuyệt.
Có lần, chứng kiến đứa bé ngày xưa anh cứu sống vì bị bỏng đang ngồi khóc và băng bó vết thương cho một con thỏ bị kẹp bẫy, anh thấy thời gian qua anh sống thật vô cảm và đã phớt lờ đi nỗi đau của người khác. Giờ đây anh hiểu ý nghĩa thực sự của hai chữ "vô dụng". Anh vứt bỏ sự hi sinh thiêng liêng của mẹ anh và chà đạp lên sự trông chờ và hi vọng của mọi người, anh có thể? Anh biết mình phải làm gì rồi. Cuộc đời của một người đã quyết định gắn bó với ngành y đâu thể chỉ vì một chút chông gai mà dễ dàng bỏ cuộc. Tinh thần của người thầy thuốc là luôn luôn phải kiên cường. Anh biết, mình còn yêu nghề nhiều lắm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.