Bài dự thi cuộc thi viết “Khoảnh khắc nghề y”: Khoảnh khắc tuyệt vời

05/08/2016 14:00 GMT+7

Vào tháng 5 năm 2003, đại gia đình tôi chào đón một thành viên mới vừa ra đời: bé Tạ Anh Thảo, tự Bo, con gái đầu lòng của cậu em tôi.

Niềm vui đó chưa rộ lên đã bị lấn át vì nỗi lo âu về sức khỏe của bé. Bo mắc hội chứng Down và bị hở van tim bẩm sinh. Cầm tờ giấy chứng sinh trên tay, tôi cố gắng đọc kỹ từng chữ để tìm ra chút hy vọng rằng bé vẫn bình thường, sức khỏe bé vẫn ổn… nhưng than ơi, sự thật mới khắc nghiệt làm sao! Ngắm nhìn bé xinh xắn, bé bỏng và ngủ ngoan như thiên thần, trái tim tôi đau nhói khi nghĩ đến chặng đường gian nan mà bé và cả nhà sẽ phải vượt qua.
Trước tiên, Bo bị dị ứng với sữa động vật, bé chỉ bú được sữa đậu nành. Thế là gia đình phải chạy vạy tìm loại sữa phù hợp cho bé theo chỉ dẫn của bác sĩ. Rồi khi về nhà được hai ngày, Bo bị khó thở, người tím tái phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Nhi đồng I… Và kể từ đó, bệnh viện Nhi đồng I trở thành “địa chỉ đỏ” đáng tin cậy của gia đình tôi. Từ ông cố đã hơn một trăm tuổi mà vẫn còn minh mẫn, đến ông bà nội ngoại, và các bác, chú, cô, các cậu, dì… ai cũng yêu Bo, ai cũng quan tâm chia sẻ và tiếp sức cho vợ chồng cậu em tôi chăm sóc Bo… Chúng tôi thay nhau đi trực bệnh viện chăm Bo, nhờ đó tôi mới biết bệnh viện Nhi đồng I quá tải đến vậy! Những bệnh nhân bé bỏng từ khắp thành phố, từ các tỉnh chuyển về… rồi người nuôi bệnh, thăm bệnh… tuôn chảy vào các phòng khám… Bác sĩ, y tá, điều dưỡng, công nhân viên của bệnh viện rất nhiều nhưng dường như không đáp ứng kịp thời những yêu cầu khám chữa bệnh cho trẻ em. Ai đã từng đi nuôi bệnh ở bệnh viện Nhi đồng I rồi mới cảm nhận được tấm lòng của tập thể y bác sĩ ở đây. Từ sơ sinh, bé Bo đã được đưa vào đây chăm sóc. Tôi đã bế Bo đi khắp các phòng khám, phòng siêu âm, phòng xét nghiệm, bế bé đi khám ở nhiều khoa… Không thể kể hết những mệt mỏi, lo âu , căng thẳng trĩu nặng lòng tôi! Tiếp xúc với các y bác sĩ; tôi nhận thấy đó là những người giỏi tay nghề, giàu kinh nghiệm, nghị lực và khả năng chịu đựng phi thường. Những người đáng khâm phục ấy thạo việc và thông hiểu tình hình khoa mình phụ trách nên họ cứ lặng thầm làm việc, đối xử ân cần với bệnh nhân, kiệm lời, không kêu than… Họ thật sự là những thiên thần áo trắng xoa dịu nỗi đau cho các bệnh nhân tí hon, ngây thơ, ngơ ngác không hiểu tại sao mình lại phải chịu cảnh khổ như vậy!
Ra vào bệnh viện liên tục, sức khỏe Bo không cải thiện được! Bệnh viện Nhi đồng I giới thiệu sang Viện tim TP.HCM để tìm hướng giải quyết. Bác sĩ ở đây tư vấn là muốn chạy chữa, phải chờ bé hơn hai mươi bốn tháng tuổi, cân nặng đúng yêu cầu; bé mới được làm phẫu thuật thay van tim. Cả nhà tôi như người bị lạc trong hầm tối chợt thấy một vệt sáng lóe lên, chúng tôi hy vọng phép nhiệm mầu sẽ xảy ra!
Trong nỗi mong chờ dằng dặc, thấm thoát ngày Bo làm phẫu thuật cũng đã tới. Ba mẹ Bo được mời vào để tư vấn trước khi tiến hành. Ca phẫu thuật diễn ra suốt cả ngày. Bác sĩ Viện tim rất nhiệt tình, ân cần, chu đáo và trình độ chuyên môn cao về lý thuyết lẫn thực hành. Cả gia đình tôi lo âu, hồi hộp chờ kết quả. Không ngờ những cuộc phẫu thuật được xem qua phim ảnh, sách báo… nay trở thành hiện thực với người thân của mình. “Phép nhiệm màu” đã xảy ở đời do các bác sĩ của êkip phẫu thuật tạo ra: thay van tim phù hợp để kéo dài sự sống cho Bo. Có khi nào trong đời bạn thấy chuyện cổ tích đang diễn ra với bản thân mình chưa? Còn với tôi, chuyện cổ tích có hậu đã đến ngay lúc vị bác sĩ trưởng êkip phẫu thuật bước ra; vẻ mặt căng thẳng, đầy mệt mỏi nhưng đong đầy niềm vui khi thông báo ngắn gọn: “Bé ngoan lắm, bé hợp tác tốt, đã thay van tim rồi, bệnh viện tiếp tục theo dõi!” Một khoảnh khắc tuyệt vời! Chắc không có ngôn từ nào đủ sức diễn tả hết được tấm lòng tri ân mà gia đình tôi dành cho êkip phẫu thuật của Viện tim TP.HCM… Các vị ân nhân ở Viện tim không chỉ cứu sống cháu gái bé bỏng của chúng tôi, mà các vị còn cho chúng tôi hiểu thêm về tính cách đặc biệt của Bo: Bo rất yêu cuộc sống, Bo muốn mọi người tiếp sức để bé được sống trên cõi đời này. Vết dao mỗ rất khéo trên lồng ngực nhỏ nhắn của Bo như một biểu hiện trân trọng, yêu thương và nâng đỡ cho bé vào đời. Bé Bo đã được cứu! Tôi hiểu tương lai của bé vẫn là một câu hỏi chưa xác định và còn phụ thuộc nhiều yếu tố may rủi nữa. Nhưng tập thể y bác sĩ đã cố gắng tận tâm, tận lực làm được điều tốt lành hỗ trợ cho bé. Bé Bo ơi, con thật có phúc đó con ạ!
Xin trân trọng tri ân những khoảnh khắc tuyệt vời của nghề y!
Mời bạn đọc viết bài tham dự cuộc thi “Khoảnh khắc nghề y” do Báo Thanh Niên phối hợp với công ty Media One Sài Gòn tổ chức với tổng giải thưởng lên tới 28 triệu đồng, cuộc thi do DHG Pharma tài trợ. Bài dự thi xin gửi về Báo Thanh Niên, số 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM hoặc qua email: khoanhkhacnghey@thanhnien.vn. Cuộc thi là nơi để bạn đọc bày tỏ tình cảm, kỉ niệm tốt đẹp với đội ngũ y bác sĩ, những người tận tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người. Đây cũng là dịp để cán bộ trong ngành bày tỏ tâm tư, tình cảm, những khoảnh khắc không thể nào quên trong nghề. Tương tác nhanh hơn với chương trình qua fanpage https://www.facebook.com/DacNhiemBlouseTrang/

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.