Bạn biết gì về cảm và cúm - bệnh thường gặp dịp tết?

24/01/2017 05:08 GMT+7

Tết là giai đoạn giao mùa, thời tiết thay đổi. Đây cũng là dịp mọi người di chuyển nhiều từ vùng này sang vùng khác, nhiều nơi có nhiệt độ, khí hậu khác nhau. Điều này làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm.

Cảm, cúm - bệnh thường gặp nhất mùa tết
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Viết Hậu (Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM), ghi nhận mỗi năm, cảm, cúm rất dễ phát sinh trong dịp tết khi điều kiện thời tiết trở lạnh, hay có sự chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm. Cảm và cúm là hai bệnh, chứ không phải là một bệnh như cách quen gọi của nhiều người. Thường thì người bệnh cảm, cúm tự điều trị tại nhà chứ ít khi phải tìm đến bệnh viện.
Bác sĩ Hậu cho biết: Cúm do các chủng vi rút cúm gây ra, gây tổn thương đường hô hấp trên và có thể gây viêm phế quản cấp thậm chí viêm phổi nặng, đe dọa tính mạng. Trong khi đó, cảm cũng do các vi rút gây ra nhưng chỉ khu trú tổn thương đường hô hấp trên, rất hiếm gây các tình trạng nặng đe dọa tính mạng và thường tự khỏi trong một tuần.

Các triệu chứng của cảm là đau rát vùng cổ họng, chảy mũi nước, hắt hơi, chảy nước mắt, kèm ho. Bên cạnh đó, bệnh nhân là người lớn thường sốt rất nhẹ (không quá 38 độ C), trong khi trẻ nhỏ thường có khuynh hướng sốt cao. Những triệu chứng này thường hết sau 3 ngày. “Những trường hợp kéo dài hơn, đặt biệt nếu kéo dài hơn 7 ngày, có thể bội nhiễm vi trùng hay một bệnh lý khác”, bác sĩ Hậu lưu ý.
“Đối với bệnh cúm, cũng có triệu chứng tương tự như cảm, nhưng trầm trọng hơn rất nhiều và diễn biến rất nhanh, đi kèm sốt là tình trạng đau đầu, đau mỏi cơ toàn thân. Các vi rút cúm liên quan đến nguồn gốc gia cầm còn có triệu chứng nôn ói và tiêu chảy nhiều lần, đau đầu dữ dội,… Cúm có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị không đúng cách”, bác sĩ Hậu phân biệt.
Cảm, cúm là bệnh thường gặp nhất mùa tết - Ảnh: ShutterStock

Vì vậy, bác sĩ khuyên người bệnh nên đến khám tại các cơ ở y tế nếu có các dấu hiệu bệnh sau: bệnh kéo dài hơn một tuần, sốt cao khó hạ hay sốt kéo dài quá ba ngày liên tục; đau rát vùng hầu họng không thể nuốt thức ăn; ho kéo dài quá hai tuần (dù các triệu chứng khác đã dứt hẳn); có triệu chứng đau đầu, mỏi cơ trầm trọng ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.

Đặc biệt, người bệnh cần phải được cấp cứu kịp thời khi đang bị cảm hay cúm mà đau ngực trầm trọng, đau đầu dữ dội, khó thở, chóng mặt, lú lẫn, nôn ói liên tục. Trong khi đó, bệnh đặc biệt nguy hiểm với trẻ em khi ngoài các triệu chứng trên, nếu có thêm các dấu hiệu: thở nhanh hay khó thở, màu sắc da tím tái, không thể uống hay bú được, kích động hay ủ rũ hơn thường ngày, các triệu chứng có cải thiện đột nhiên trầm trọng hơn nhanh chóng, có kèm phát ban.
Người bệnh có các bệnh mạn tính sẵn có (đặc biệt là bệnh về đường hô hấp như hen, suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) thì nên lưu ý khi có bệnh cảm hay cúm sẽ dễ thúc đẩy vào đợt cấp của bệnh mạn tính vốn có.

tin liên quan

Làm sao tránh cảm lạnh mùa tết?
Một tép tỏi hoặc một chén súp gà cũng đủ xua đi cái lạnh của những ngày cuối năm, giúp bạn duy trì được sức khỏe để đón tết.

“Bệnh cảm có thể tự khỏi không cần sử dụng kháng sinh, nhưng nếu bội nhiễm vi trùng sẽ gây tình trạng nhiễm trùng hô hấp, sốt cao đôi khi cần nhập viện điều trị. Bệnh cúm cũng có thể tự khỏi nhưng có thể gây suy hô hấp cấp do viêm phổi nặng, đe dọa tính mạng. Chính vì vậy, người dân cần chú ý để cấp cứu kịp thời”, bác sĩ Hậu khuyến cáo.
Theo bác sĩ Hậu, cách tốt nhất để phòng ngừa cảm, cúm là nên rửa tay thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn hay xà phòng. Vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc sạch sẽ, đặc biệt ở các vị trí có khả năng lây bệnh như nắm tay cửa ra vào, cửa toilet, điện thoại bàn, bàn phím,… vì dịch tiết của người mang bệnh dính vào các vật dụng này cũng chứa vi rút lây bệnh. Bên cạnh đó, mọi người nên tập thể dục, ăn uống điều độ, nhiều rau xanh trái cây để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Tay chân miệng “rục rịch” tăng
Trong khi đó, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cũng cảnh báo bệnh tay chân miệng (TCM) cũng đang gia tăng vào dịp Tết.
Rửa tay thường xuyên là cách đơn giản và hiệu quả nhất phòng các bệnh lây nhiễm - Ảnh: ShutterStock

Ghi nhận của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong tuần thứ hai của năm 2017 có 102 ca TCM phải nhập viện điều trị. Bệnh đã tăng 21% so với trung bình chung của bốn tuần trước. Số trẻ mắc bệnh phân bố rải rác ở nhiều quận huyện.
Qua đó, ngành y tế nhận định vi rút gây bệnh TCM đang lưu hành trên diện tương đối rộng, nếu gặp điều kiện thuận lợi nguy cơ bệnh tăng cao có thể xảy ra.
Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo, tết Nguyên đán cũng là thời điểm giao mùa, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút gây bệnh truyền nhiễm phát triển. Để phòng bệnh TCM, cộng đồng cần tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho trẻ bằng chế độ ăn chín, uống chín, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ để tăng sức đề kháng cho trẻ.

tin liên quan

Các mẹo chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng
Tháng 4 được xem là đỉnh dịch của bệnh tay chân miệng (TCM). Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) “mách” cho phụ huynh các mẹo chăm sóc trẻ bị bệnh TCM.

Bên cạnh đó, người dân cần chú ý giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, thường xuyên lau sàn nhà nơi trẻ vui chơi, vệ sinh đồ chơi cho trẻ bằng chất tẩy rửa, sát khuẩn...
Trong thời gian nghỉ Tết, nếu trẻ có biểu hiện sức khỏe bất thường, cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế để kiểm tra, chăm sóc, điều trị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.