Bệnh chàm

31/03/2008 14:34 GMT+7

Một trong những nguyên do hàng đầu khiến người ta phải đến các nơi chữa trị da liễu đó là chàm. Căn bệnh không gây tử vong, nhưng gây khó chịu.

Căng thẳng, stress cũng ảnh hưởng đến bệnh

Bệnh chàm là loại bệnh da phổ biến, chiếm khoảng 20% dân số, và là một trong những lý do hàng đầu khiến bệnh nhân phải đến khám tại các phòng khám da liễu. Bệnh chàm không gây tử vong, nhưng gây ngứa ngáy, hoặc khô căng da khó chịu, và bệnh thường xuyên tái phát tới lui nhiều lần trong đời, và, như một số căn bệnh da khác, chàm cũng làm ảnh hưởng ít nhiều đến thẩm mỹ.

Theo bác sĩ Võ Thị Bạch Sương (bộ môn Da liễu, Đại học Y Dược, TP.HCM): chàm là bệnh cảnh da dị ứng, chàm thường phát sinh trên những cơ địa đặc biệt dễ nhạy cảm với những dị ứng nguyên trong hoặc ngoài cơ thể như: thực phẩm, thời tiết, môi trường sống, nghề nghiệp... Yếu tố tâm thần kinh cũng ảnh hưởng lên bệnh này, vì thế với một số người chàm cũng có thể nặng lên sau những chấn thương tâm lý, stress, lo âu căng thẳng. Vì thế, trong dân gian có nhiều người cho rằng bệnh chàm là do từ trong máu cũng đúng một phần, đồng thời do cả yếu tố ngoại lai tác động thêm vào và là bệnh không lây nhiễm.

Có nhiều hình thái, cách thức phân chia, để đơn giản, chúng ta tạm chia làm hai loại chàm: chàm khô và chàm ướt (khi thương tổn là những mụn nước, hoặc đang rỉ dịch, lúc này rất ngứa và dễ bội nhiễm). Những người có biểu hiện chàm khô nứt nẻ, thường xuất hiện ở bàn tay, bàn chân, nặng lên khi trời lạnh, hoặc khi tiếp xúc hóa chất, xà bông, chất tẩy rửa...

Không dứt hẳn được

Theo bác sĩ Võ Thị Bạch Sương, bệnh chàm không thể trị dứt hẳn được. Việc điều trị là nhằm kiểm soát các cơn ngứa, ngăn ngừa, hay trị liệu tình trạng bội nhiễm (nếu có), làm giảm các biểu hiện viêm da, làm da mềm mại và loại bỏ các mảng vẩy, các rãnh nứt và làm giảm thiểu sự xuất hiện của những thương tổn mới trên da.

Một số lời khuyên sau đây mang tính chất ngăn ngừa sự tái phát và trầm trọng của bệnh: Những người mắc bệnh chàm cần tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, tìm và tránh tối đa những gì có thể là nguyên nhân gây bệnh cho mình như một số thức ăn, thuốc uống, mỹ phẩm, trang sức, hóa chất... Đồng thời cũng cần biết cách chế ngự stress, và luôn thực hiện theo đơn bác sĩ. Bên cạnh đó cần thường xuyên thoa các chất giữ ẩm, làm mềm da, nên chọn các chất không màu, không mùi. Các chất này có thể thoa xen kẽ với các thuốc điều trị được bác sĩ kê đơn và khi bệnh giảm, vẫn tiếp tục sử dụng thường xuyên mỗi ngày.

Với trường hợp chàm ướt, bệnh nhân thường được khuyên dùng thuốc tím pha loãng để ngâm rửa thương tổn, thoa các dung dịch màu như màu xanh methylene, màu đỏ Eosine, màu tím Gentian...

Với những người bị chàm làm nứt ở chân, thì việc bảo vệ bàn chân khỏi nguồn không khí lạnh (như mang vớ mềm), và thoa liên tục các chất giữ ẩm để làm mềm da là rất cần thiết .

Các loại thuốc uống giúp an thần, giảm ngứa, giải mẫn cảm, kháng sinh hoặc các loại thuốc thoa có chứa chất corticoid, chất điều hòa miễn dịch, chất tiêu sừng... sẽ được kê đơn tùy theo tuổi tác, cơ địa bệnh nhân, vị trí thương tổn, nguyên nhân, mức độ nặng nhẹ, giai đoạn bệnh... Vì thế bệnh nhân cần đi khám để được điều trị thích hợp, không nên tự ý dùng thuốc.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.