Bệnh thủy đậu: Phát hiện và phòng ngừa như thế nào?

07/02/2009 09:54 GMT+7

Bệnh thủy đậu (trái rạ) đã xuất hiện nhiều nơi ở TPHCM và đang vào mùa cao điểm. Chỉ tính riêng 2 bệnh viện TP: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận gần 1.000 trường hợp trẻ bị bệnh thủy đậu. Đây là căn bệnh mang nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong mùa cao điểm này, nếu không ngăn chặn kịp thời bệnh sẽ bùng phát thành dịch.

Nguyên nhân và tác hại

Theo GS-TS Lê Văn Hiệp – Viện trưởng Viện Vaccine và Chế phẩm sinh học: Tác nhân gây bệnh là virus ecpec 3 (alpha) của người, trong dân gian phía Bắc thường gọi bệnh này là phỏng rạ, phía Nam gọi là trái rạ. Virus này còn là nguyên nhân gây bệnh Zona (giời leo) ở người lớn có thể gây biến chứng dẫn đến tử vong. Virus lưu hành trên toàn thế giới (90% trẻ dưới 15 tuổi bị thủy đậu, 95% người đến tuổi thành niên đã từng bị mắc bệnh) do lây truyền qua đường tiếp xúc.

Ở Việt Nam bệnh thường xảy ra từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, dịch thường có chu kỳ 2-3 năm. Các hình thái bệnh ở trẻ nhỏ không nguy hiểm bằng khi nó gây cho người lớn chưa được miễn nhiễm hoặc ở thể thứ phát (bệnh giời leo) có biến chứng.

Bệnh được xem là nhẹ ở trẻ nhỏ nhưng nguy hiểm đến tính mạng khi bị biến chứng. Biến chứng thường gặp nhất của thủy đậu là nhiễm trùng da và mô mềm, nhiễm độc tố vi khuẩn, viêm phổi hoặc nhiễm trùng máu (ít).

Các nốt thủy đậu trên da khi bị bội nhiễm sẽ sưng to lên và gây ngứa, trẻ không chịu được, gãi làm trầy da và để lại những vết sẹo vĩnh viễn. Thủy đậu ít khi dẫn đến viêm não, nhưng điều này vẫn có thể xảy ra, gây tử vong hoặc để lại các di chứng thần kinh lâu dài. Mỗi năm, ở Bệnh viện Nhi đồng 1 có 1 - 2 ca tử vong do thủy đậu.

Ở người lớn nếu mắc dễ biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi gây tử vong lớn nhất (7% số người mắc). Các biến chứng khác như viêm não, viêm khớp tủy xương, xuất huyết nội tạng thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi và người trưởng thành. Người lớn nếu mắc mụn thủy đậu gây tổn thương sâu hơn, nguy cơ biến chứng lớn hơn 10 - 25 lần so với trẻ nhỏ.

Cũng theo GS Hiệp: Điều phiền toái nhất do virus thủy đậu gây ra là bệnh Zona (giời leo) ở người lớn do nhiễm virus từ trước, bị tái phát khi trưởng thành. Nốt phỏng của bệnh Zona khu trú dọc theo vùng da đầu dây thần kinh cảm giác ở một phía vùng ngực trái hoặc phải. Nốt phỏng giời leo gây triệu chứng đau rát đến không chịu nổi cho người bệnh. Điều đáng lưu ý trong việc chữa bệnh này bằng thuốc Tây y và Đông y cho tới nay đều không trị được căn nguyên bệnh mà chỉ để giảm đau, giảm sốt (Tây y) và mát da dịu đau (Đông y với đậu xanh nhai nát). Bệnh Zona với các biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm thận và nội quan có thể dẫn đến tử vong.

Phát hiện và điều trị kịp thời

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1: Bệnh xảy ra sau 14 - 16 ngày tiếp xúc với người bệnh, thời kỳ ủ bệnh 10 - 21 ngày. Người bệnh có các triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, biếng ăn, nhức đầu. Hai, ba ngày sau triệu chứng trên các nốt đậu mọc ra và bệnh nhân sốt cao (có khi tới 410C) kéo dài từ 2 - 4 ngày sau nổi mụn. Nốt mọc ở thân mình, sau đó lan lên mặt và tay chân.

Những nốt này có thể để lại sẹo vĩnh viễn nếu bị nhiễm trùng. Mụn thủy đậu khác đậu mùa ở chỗ có một ngăn nên dễ xẹp khi thủng và thường không để lại sẹo (trừ khi do bội nhiễm do vi khuẩn khác gây ra). Mụn thủy đậu mọc không cùng lúc số lượng trung bình trên mỗi trẻ là 300 nốt (có khi nhiều tới 1.500 nốt khi nhiễm nặng ở trẻ có sức miễn dịch bẩm sinh kém). Ở người lớn, sốt sẽ cao hơn và kéo dài hơn, các nốt nổi nhiều hơn.

Lời khuyên của các bác sĩ, khi phát hiện bị bệnh thủy đậu, nên cho bệnh nhân uống thuốc giảm ngứa, hạ sốt bằng paracetamol, không được cho trẻ uống aspirin và chỉ sử dụng kháng sinh khi bác sĩ kê đơn. Trường hợp nặng thì phải nhập viện ngay. Đặc biệt, cần cách ly người bệnh ít nhất 1 tuần để tránh lây lan, phụ nữ đang mang thai tuyệt đối tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh này. Cắt móng tay cho trẻ để tránh trường hợp trẻ gãi làm trầy xước da.

Ở tất cả các cuộc hội thảo về phát hiện và phòng ngừa bệnh thủy đậu trong thời gian gần đây, các bác sĩ đều thừa nhận tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu nhất. Hiện, tại Việt Nam đã có vaccine phòng ngừa là Varilrix của hãng SmithKline Beecham. Liều miễn dịch cơ bản một mũi duy nhất cho trẻ 12 tháng đến 12 tuổi, tiêm dưới da 0,5ml. Người lớn và trẻ từ 13 tuổi trở lên phải tiêm 2 mũi cách 6 - 10 tuần có thể đạt hiệu quả bảo vệ 100%. Đối với trẻ từ 12 tháng đến 13 tuổi, chỉ cần tiêm một liều duy nhất vaccine Varilrix.

Tại TPHCM, có thể đến tiêm phòng tại Viện Pasteur, Trung tâm y tế dự phòng hoặc các đội y tế dự phòng quận, huyện, các bệnh viện Phụ sản Quốc tế, Nhi đồng, Hùng Vương, Từ Dũ, Phòng khám Nhi Khoa Nancy...

Theo Lương Gia / SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.