Biết chơi sẽ ít bệnh

06/08/2010 14:38 GMT+7

Nếu tưởng chọn thú tiêu khiển chỉ để giải trí thì lầm! Qua phân tích của các nhà khoa học, mọi hình thức giải trí nếu mang đến cho chủ nhân cảm giác hứng thú và thư giãn đều hữu ích cho sức khỏe.

Đó không chỉ là phương án “giải độc” cho bộ óc, mà còn là phương tiện chủ động phòng chống nhiều bệnh chứng nghiêm trọng thông qua tác dụng gián tiếp cải thiện sức đề kháng.

Ngược lại, mọi hình thức vui chơi, dù được đặt tên hoa mỹ thế nào, nhưng nếu đẩy “giải trí viên” vào hoàn cảnh căng thẳng vì ăn thua, trăn trở được mất lại có thể là... thuốc độc!

Làm chơi - ăn thiệt mới hay

Chơi nếu đúng cách thì đúng là chơi mà ăn thiệt! Cho dù khác nhau về thể dạng, cho dù căng như bóng đá hay nhẹ nhàng như thái cực quyền, yoga... mọi hình thức luyện tập, giải trí trong tiết độ đều có tác dụng trung hòa tác hại của stress.

Hàm lượng dưỡng khí trong tế bào nhờ đó được cải thiện, trong khi độc chất oxy hóa và phế phẩm biến dưỡng giảm thiểu thấy rõ mà không cần dùng thuốc.

Chọn bạn mà chơi

Trước đây hơn 20 năm, nhiều người đã dè bỉu khi giáo sư Konrad Lorenz, nhà khoa học từng nhận giải thưởng Nobel,  khuyến khích người có sức đề kháng quá yếu nên nuôi chó, mèo, chim cảnh..., thứ gì cũng được miễn hợp gu gia chủ.

Hiện nay, không còn ai hoài nghi tác dụng điều hòa thần kinh thực vật từ cảm giác bớt cô đơn của người chọn chú cún, cô miu làm bạn sau khi các nhà nghiên cứu chứng minh số người có thú “nhí” làm bạn, ít bị tái phát chứng nhồi máu cơ tim hơn nhóm đối chứng thiếu bạn đồng hành.

Không chỉ thế, trẻ con có chó, mèo, thỏ... làm bạn ít bị bệnh hơn trẻ chỉ lấy màn hình vi tính, màn ảnh truyền hình làm thú vui. Các chuyên gia về stress cũng không ngần ngại khuyên người có cuộc sống quá căng thẳng, đối tượng dễ bị rối loạn tiêu hóa hay đau cột sống... nên chọn cá cảnh là “bạn” thú giải trí.

Bên cạnh động tác bơi lượn giúp chủ nhân tìm phút thanh thản, cá cảnh còn có ưu điểm là không mè nheo, thóc mách, châm chọc, chê bai...

Mượn thú tiêu khiển phòng bệnh

Đi xa hơn nữa, nhiều nhà nghiên cứu đã ghi nhận người chọn khung trời bình yên bên cọ vẽ và khung vải ít bị đau họng, không mấy khi phải tốn tiền mua thuốc vì bội nhiễm đường hô hấp.

Tương tự, ở phụ nữ, các hình thức giải trí tuy nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi “sáng tác” như điêu khắc, thêu thùa... rõ ràng có tác dụng hạ huyết áp, chống nhức đầu, thậm chí ngăn cơn đau bụng kinh...

Với người cao niên, trái với định kiến hễ già phải lẫn, tất cả hình thức làm việc ngoài giờ đòi hỏi động não, từ học ngoại ngữ đến giải đáp ô chữ là phương tiện hữu hiệu ổn định chức năng tư duy hơn xa các loại thuốc được quảng cáo ngọt xớt là “bổ não”...

Nghe nhạc giảm đau

Cũng với cơ chế tương tự, thầy thuốc ở Vienna, nước Áo đã chứng minh nhạc của Schubert có hiệu năng chống stress, của Bach có tác dụng gây tự tin, của Ravel có khả năng đẩy lùi tình trạng trầm cảm, trong khi âm hưởng của Mozart là phương tiện hiệu quả thấy rõ để giảm đau.

Chính vì thế nhiều nha sĩ ở Đức và Áo mời bệnh nhân thưởng thức các tác phẩm của thiên tài Mozart để nhân lúc thân chủ thả hồn theo điệu nhạc mà... nhổ răng! Nhưng không phải nhạc nào cũng là nhạc.

Với nhiều bản nhạc đang được “lăng xê” ở nước mình thì nghe chưa được nửa bản đã phát... bệnh! Cứ như tác giả đặt nhạc theo yêu cầu của hãng thuốc nào đó đang cần bán gấp thuốc nhuận gan, vì người nghe có tập thiền cách mấy cũng khó tránh “giận căm gan”!

Ai bảo chơi chỉ để chơi. Chơi cho vui mà tránh được thầy thuốc còn muốn gì hơn!

Theo Bác sĩ Lương Lễ Hoàng / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.