Cẩn trọng khi bổ sung vi chất

31/07/2016 10:32 GMT+7

Bổ sung vi chất với mong muốn tăng chiều cao cho trẻ nhỏ, thêm sức đề kháng cho cơ thể là mối quan tâm của nhiều gia đình.

Tuy nhiên, nếu bổ sung không đúng chỉ định, việc này có thể gây hại cho sức khỏe.
Kiểm soát liều lượng
Vitamin A là vi chất dinh dưỡng rất cần thiết đối với phụ nữ có thai. Nếu bị thiếu vitamin A, thai phụ có nguy cơ sinh non tháng, hoặc em bé có cân nặng thấp. Để không bị thiếu vitamin này, thai phụ cần tăng cường sử dụng thức ăn nguồn động vật (thịt, cá, trứng, sữa) và thức ăn giàu chất tiền vitamin A (beta caroten) có trong nguồn thực vật như các loại rau lá màu xanh thẫm (rau ngót, rau muống, rau dền...), quả chín có màu vàng da cam như đu đủ, xoài, mít, hồng hoặc củ quả có màu đỏ, vàng da cam như cà chua, bí đỏ, khoai lang nghệ...
Các chuyên gia lưu ý, với thai phụ, việc uống bổ sung vitamin A cần thận trọng. Nếu bị thiếu thì uống liều nhỏ hằng ngày (từ 500 - 1.000 đơn vị hoặc 10.000 đơn vị/ngày, kéo dài trong 2 tuần) và cần theo đơn của bác sĩ. Thai phụ không được uống vitamin A liều cao (từ 100.000 đơn vị) vì có thể gây dị dạng thai nhi.
TS Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ, với trẻ nhỏ, nhiều gia đình cho ăn cà rốt để thêm nguồn vitamin A. Đây là thực phẩm giàu caroten. Khi vào cơ thể chất này được chuyển hóa thành vitamim A cần cho sự tăng trưởng, giúp cho mắt sáng, tăng sức đề kháng của cơ thể. Tuy nhiên nếu ăn cà rốt nhiều, liên tục, lượng caroten cao không được cơ thể chuyển hóa hết sẽ gây tích lũy và ứ đọng ở gan gây chứng vàng da, ăn không tiêu, mệt mỏi. Do vậy mỗi tuần chỉ nên cho trẻ ăn cà rốt 2 - 3 lần (khoảng 50 gr/lần) hoặc tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng về lượng phù hợp.
Không tự kê đơn... tăng chiều cao
Bác sĩ Ngô Thị Hà Phương, công tác tại Viện Dinh dưỡng quốc gia lưu ý, nhiều bà mẹ lạm dụng thuốc bổ cho con với mong muốn con mình sẽ cao hơn. Họ không biết rằng hầu hết các thuốc bổ cho trẻ đều chứa vitamin và can xi, các thuốc bổ sung vi chất này dùng ở mức độ vừa phải thì có lợi cho trẻ, nhưng nếu trẻ uống nhiều can xi sẽ bị táo bón, tăng can xi trong máu. Ngoài ra, khi cơ thể hấp thu quá nhiều can xi, thận sẽ phải làm việc nhiều để thải lượng dư thừa, lâu ngày can xi tích tụ gây vôi hóa thận. Với trường hợp trẻ uống quá nhiều vitamin D cũng sẽ làm tăng can xi máu, có thể làm can xi hóa các mô của cơ thể (tim, gan, thận). Để tăng chiều cao cho trẻ, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý và vận động.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, can xi có vai trò quan trọng trong việc hình thành xương và răng cho thai nhi. Nếu thai phụ thiếu can xi, trẻ có nguy cơ chậm phát triển, bệnh còi xương bẩm sinh, dị dạng xương... Thiếu vi chất này còn trực tiếp gây hại cho người mẹ (bị tê chân, mệt mỏi). Nếu thiếu can xi triền miên sau sinh, nguy cơ bị loãng xương khi bước vào tuổi mãn kinh. Do đó, thai phụ nên bổ sung can xi bằng thực phẩm: cua đồng, tôm đồng, sữa bột, sữa bò, sữa dê tươi, sữa đậu nành, vừng... Do trong quá trình chế biến, can xi trong thực phẩm bị hao hụt nhiều nên thai phụ thường được bác sĩ kê đơn cho dùng bổ sung can xi bằng thuốc. Tuy nhiên, Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, cần dùng theo đúng chỉ định vì thừa can xi hay vitamin D đều gây hại cho cơ thể. Thai phụ không được uống viên thuốc can xi hoặc phải dừng uống can xi khi có những biểu hiện bệnh lý như: bị tăng can xi máu; tăng can xi nước tiểu nặng; có tiền sử hoặc đang bị sỏi can xi (sỏi thận, sỏi mật, sỏi tụy...).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.