Cấy ốc tai điện tử mang lại âm thanh cho bé gái 3 tuổi

30/09/2019 15:51 GMT+7

Cấy ốc tai điện tử là phương pháp điều trị bệnh lý điếc sâu hiện đại, hiệu quả nhất trên thế giới hiện nay, mang lại thính giác và ngôn ngữ giúp cho bệnh nhân khiếm thính hòa nhập được cộng đồng .

Hôm nay (30.9), theo bác sĩ chuyên khoa 2 Bạch Thiên Phương, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), các bác sĩ đã thực hiện thành công ca cấy điện cực ốc tai cho bé gái H.G.N. (40 tháng tuổi, ngụ Vĩnh Long), giúp bé có thể nghe được, thoát khỏi việc phải bị câm điếc.
Bé N. bị điếc bẩm sinh, nên việc phát triển ngôn ngữ của bé đến nay rất kém. Việc giao tiếp giữa bé và thế giới bên ngoài gặp rất nhiều trở ngại vì bé không nghe hiểu được lời nói và tiếng động, chỉ đoán từ qua cử động môi và chỉ giao tiếp được với người thân.
Qua hơn 40 tháng đầu đời sống trong tĩnh lặng, gia đình bé đã cố gắng tìm mọi cách để con có thể nghe được.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, qua thăm khám cho bệnh nhi, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng đã tư vấn thực hiện cấy điện cực ốc tai cho bé. Đây là phương pháp phẫu thuật hiện đại đưa toàn bộ các chuỗi điện cực vào trong ốc tai, với mức độ an toàn vô trùng tuyệt đối.
Với chiếc điện cực ốc tai này, bệnh nhân nghe được âm thanh từ mọi dải tần số khác nhau. Sau đó, qua quá trình tập luyện, bé sẽ nghe, nói gần như người bình thường.
Ca phẫu thuật cấy ốc tai được thực hiện trong 2 giờ. Bác sĩ Phương cho biết, sau khi đặt điện cực ốc tai, các chỉ số kiểm tra hoạt động của tất cả các điện cực đều rất tốt.
“Trẻ không thể nghe nói bình thường ngay sau khi được cấy ốc tai. Trẻ cần phải có quá trình làm quen với âm thanh, tập nghe nói lâu dài để có vốn từ, tham gia các khóa huấn luyện ngôn ngữ với chuyên gia thính học. Ngoài ra, sự hợp tác kiên nhẫn của gia đình cũng rất quan trọng trong việc giúp cho trẻ phát âm, phát triển ngôn ngữ, giao tiếp với môi trường xung quanh”, bác sĩ Phương phân tích thêm.
Sau 1 tháng nữa, bệnh nhi có thể bắt đầu quá trình huấn luyện ngôn ngữ và tập nói.
Hiện nay, theo thống kê tại Việt Nam, cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có từ 1-3 trẻ bị điếc bẩm sinh. Trẻ bị điếc nặng và sâu thường kèm theo câm do không tiếp nhận được âm thanh, từ đó ảnh hưởng đến quá trình phát triển ngôn ngữ.
Theo bác sĩ Phương, cấy ốc tai điện tử là phẫu thuật cấy ghép hệ thống điện tử phức tạp vào tai trong để kích thích dây thần kinh thính giác chuyển các xung động thần kinh lên não khiến người điếc nghe được âm thanh.
Trẻ được cấy điện cực ốc tai càng sớm thì sự phát triển ngôn ngữ càng cao, tốt nhất là trước 2 tuổi.
“Đây là phương pháp điều trị bệnh lý điếc sâu hiện đại, hiệu quả nhất trên thế giới hiện nay, mang lại thính giác và ngôn ngữ giúp cho bệnh nhân khiếm thính hòa nhập được cộng đồng”, bác sĩ Phương đánh giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.