Chiếc hộp nhắc bệnh nhân không bỏ sót cữ thuốc nào

24/03/2018 13:25 GMT+7

Suốt 5 tháng qua, anh Ibrahim, 26 tuổi, một cư dân ở khu Dharavi thuộc thành phố Mumbai (Ấn Độ), đã không bỏ sót cữ thuốc lao nào dù chỉ 1 ngày.

Hộp thuốc của Ibrahim, có tên gọi MERM (từ ghép các chữ tiếng Anh có nghĩa “Nhắc nhở theo dõi và định kỳ cấp thuốc”), reo vang vào lúc 13 giờ mỗi ngày để nhắc anh uống thuốc.
Theo báo Hindustan Times, chiếc hộp nói trên được làm bằng giấy bìa cứng, bên trong có 5 rãnh chứa lượng thuốc đủ dùng trong 1 tháng, nhờ thế chàng trai này không phải đến chốt y tế gần nhất mỗi ngày để điều trị bệnh lao đa kháng thuốc.
Khi Ibrahim mở chiếc hộp trên, giới chức y tế dân sự đang ngồi ở xa lập tức nhận được thông báo trên điện thoại rằng Ibrahim đã uống cữ thuốc của ngày hôm đó.
Cách đây 5 tháng, Ibrahim cùng 88 bệnh nhân lao đa kháng thuốc khác đã tham gia một dự án thí điểm ở khu vực G-North. Họ được cấp mỗi người 1 chiếc hộp có số IMEI và thẻ, tương tự những gì nhận được ở điện thoại di động.
Chiếc hộp có pin sạc và 3 chiếc đèn được mã hóa với 3 màu xanh lục, vàng và đỏ.
Đèn xanh lục phát âm thanh cùng với thiết bị báo động để nhắc nhở bệnh nhân về việc uống thuốc. Đèn vàng chớp cùng với “thiết bị báo động tái nạp thuốc”, vốn thường reo 5 ngày trước khi liệu trình điều trị hàng tháng sắp hết. Đèn đỏ nhắc nhở bệnh nhân rằng pin của chiếc hộp sắp cạn.
“Thiết bị báo động vang lên và đèn xanh chớp trong 30 phút cho đến khi bệnh nhân mở hộp và lấy thuốc”, bác sĩ Reena Raul, lãnh đạo phòng chống lao khu vực G-North, cho biết.
“Tất cả sự việc liên quan đến chiếc hộp đều được thu nạp và báo cáo đến điện thoại của giới chức y tế”, bà nói thêm.
Trước khi đăng ký tham gia dự án, Ibrahim đã phải chờ khoảng 30-45 phút tại chốt y tế gần nhất, nơi anh cũng có thể lây nhiễm bệnh cho những người khác.
Giới chức y tế nói rằng chiếc hộp không được viết chữ “bệnh lao” lên đó, nhằm đảm bảo không ai biết tình trạng bệnh của bệnh nhân nên tránh được nguy cơ bị những người xung quanh kỳ thị.
“Tất cả các trung điều trị lao ngắn ngày có giám sát (DOTS) được đặt tại các chốt y tế, ở đó có nhiều bệnh nhân khác bao gồm trẻ em và phụ nữ có thể bị nhiễm bệnh. Phương cách này đảm bảo các bệnh nhân lao không hòa lẫn với các bệnh nhân khác”, bác sĩ Raul nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.