Đái tháo đường: Nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con nếu không phát hiện sớm

26/09/2016 09:01 GMT+7

Một trong những bệnh lý thường gặp trong thời kỳ mang thai đó là bệnh đái tháo đường, còn gọi là đái tháo đường thai kỳ.

Đây là bệnh lý nội khoa không lây, xảy ra nhiều ở cuộc sống hiện đại, khi chế độ dinh dưỡng, công việc có nhiều thay đổi.
Tác động của chế độ ăn, lối sống
Năm 2015, thống kê của Hiệp hội Sản phụ khoa thế giới cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) trong thai kỳ ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 16% trên tổng số các bà mẹ mang thai. ĐTĐ ở phụ nữ mang thai có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ Lê Thị Kiều Dung - Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bệnh lý này liên quan đến rối loạn chuyển hóa chất đường trong cơ thể, dẫn đến tăng lượng đường huyết. Nguyên nhân là do tuyến tụy không sản xuất hay sản xuất không đủ insulin, hoặc do tăng các chất đề kháng với insulin làm giảm tác dụng sinh học của insulin lên tế bào đích. Hiện nay, bệnh ĐTĐ đang gia tăng nhanh chóng do lối sống ít vận động và dùng nhiều thức ăn giàu năng lượng như đường, tinh bột và chất béo. ĐTĐ thai kỳ là bệnh lý nội khoa thường gặp nhất khi có thai, thường do thay đổi nội tiết của cơ thể mẹ trong thai kỳ đưa đến tăng đề kháng với insulin làm cơ thể không thể điều chỉnh được lượng đường trong máu. Bệnh có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Những biểu hiện, ảnh hưởng trên mẹ và bé
Đối với thai phụ mắc bệnh ĐTĐ có thể có những biểu hiện như: tăng cân quá mức (trên 2 kg/tháng) gây béo phì, sau sinh rất khó lấy lại vóc dáng thon gọn; đa ối chiếm tỷ lệ khá cao (27 - 30%) - lượng nước ối quá nhiều làm tử cung to nhanh có thể gây rối loạn tuần hoàn và hô hấp cho bà mẹ; tăng nguy cơ sảy thai, sinh non; tăng nguy cơ cao huyết áp, tiền sản giật, sản giật gấp 4 lần; nhiễm trùng dễ xảy ra và thường nặng nề hơn, nhất là viêm thận, bể thận; chuyển dạ kéo dài, sinh khó, tăng nguy cơ sang chấn và băng huyết sau sinh; tỷ lệ phải mổ bắt con cao hơn; rối loạn lượng đường trong máu nặng có thể đưa đến hôn mê.
Nếu bà mẹ mang thai mắc ĐTĐ thì thai nhi có nguy cơ nguy hiểm như: gia tăng tỷ lệ dị tật thai (nếu bà mẹ bị ĐTĐ từ trước khi có thai mà không được điều trị đúng cách); thai nhi dễ bị rối loạn tăng trưởng (cân nặng quá lớn, hoặc quá nhỏ), gây sinh khó và sang chấn lúc sinh như trật khớp vai, gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay...; thai có thể bị chết lưu đột ngột do đường huyết tăng quá cao; bé sinh ra dễ bị suy hô hấp do phổi chậm trưởng thành (khi có tình trạng tăng đề kháng với insulin) và bé dễ bị hạ đường huyết, hạ can xi, vàng da nặng và có thể hôn mê; khi lớn lên bé dễ bị béo phì, ĐTĐ, cao huyết áp.

tin liên quan

Cách ổn định đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường
Các bệnh nhân tiểu đường thường ăn uống rất kiêng khem để tránh nguy cơ chỉ số đường huyết leo thang. Những trái cây sau bệnh nhân tiểu đường có thể ăn, theo trang Indiatimes dẫn lời bác sĩ Ấn Độ Anand Moses.

Những nguy hiểm sau khi sinh
Theo bác sĩ, có khoảng 20% bà mẹ ĐTĐ trong lúc mang thai sẽ bị ĐTĐ tiếp diễn sau sinh, trở thành bệnh mạn tính và là một trong những nguyên nhân hàng đầu đưa đến các bệnh khác, nguy hiểm như: tổn thương tế bào mạch máu gây xơ vữa động mạch đưa đến cao huyết áp và suy tim; bệnh mạch vành - như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột tử; bệnh mạch máu não như sa sút trí tuệ, tai biến mạch máu não; bệnh mạch máu chân gây thiếu máu tại chỗ gây loét hoặc hoại tử chi; bệnh lý võng mạc do tổn thương các mao mạch ở võng mạc có thể đưa đến mù mắt; bệnh lý ở thận như tổn thương vi thể ở cầu thận gây xơ cứng cầu thận và đưa đến suy thận; các biến chứng cấp tính như hôn mê, nhiễm trùng nặng…

Bác sĩ khuyến cao về chế độ dinh dưỡng khi mang thai, đó là: ăn uống đủ chất, đa dạng thực phẩm, như: thịt, cá, trứng, sữa, rau quả tươi… Cần hạn chế ăn nhiều đường, tinh bột, chất béo, đặc biệt là không nên uống nhiều nước ngọt làm tăng chỉ số đường huyết trong thai kỳ. Bên cạnh đó cần vận động cơ thể với những việc nhẹ nhàng; cần tầm soát bệnh ĐTĐ thai kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ khám thai cho mình.
Những yếu tố nguy cơ dễ mắc ĐTĐ thai kỳ, đó là:
- Tiền căn gia đình có người bị đái tháo đường
- Mang thai khi đã ngoài tuổi 40
- Bà mẹ béo phì
- Lần mang thai trước đã bị ĐTĐ
- Lần sinh con trước đó, cân nặng bé từ 4 kg trở lên
- Từng bị thai lưu 3 tháng cuối không rõ
Nguyên nhân
- Từng sinh con có dị tật bẩm sinh không rõ nguyên nhân
- Bà mẹ bị rối loạn phóng noãn kiểu buồng trứng đa nang…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.