Dịp hè, trẻ dễ tai nạn

29/06/2012 10:37 GMT+7

Dịp nghỉ hè là thời gian trẻ được tham gia nhiều hoạt động vui chơi, du lịch nhưng cũng là lúc các bệnh viện phải cấp cứu nhiều vụ trẻ ngạt nước, bị côn trùng đốt, chấn thương, ngộ độc, phỏng...

Cứ vào dịp hè, số trẻ nhập viện cấp cứu tại các bệnh viện chuyên khoa nhi ở TPHCM lại gia tăng.

Do người lớn lơi lỏng

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 đang chạy đua với thời gian để giành lại sự sống cho bé trai 8 tuổi hôn mê, tổn thương não do bị ngạt nước. Bé được gia đình đưa đến hồ bơi vào ngày nghỉ nhưng không được giám sát nên đã chìm ở phần hồ dành cho người lớn. Ở Khoa Săn sóc đặc biệt, các bác sĩ cũng phải vất vả giành lại mạng sống cho bé T.H.L bị ngộ độc do uống nhầm dầu. Trong lúc chơi ở nhà, thấy chai nước, bé L. vô tư lấy uống mà không ngờ đó là chai đựng dầu xoa bóp của mẹ.

Dịp hè, trẻ dễ tai nạn 
Cấp cứu cho trẻ ngộ độc thực phẩm tại TPHCM

Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết dịp nghỉ hè là thời gian trẻ được tham gia nhiều hoạt động vui chơi, du lịch và cũng là lúc bệnh viện phải cấp cứu cho nhiều vụ trẻ gặp tai nạn, hậu quả của việc phụ huynh không trông nom cẩn thận. Bác sĩ Tùng cũng cho biết các tai nạn dễ gặp nhất đối với trẻ trong dịp hè là ngạt nước, bị côn trùng đốt, rắn cắn, chấn thương, ngộ độc, phỏng, điện giật, sét đánh.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các trường hợp trẻ ngạt nước, phỏng, điện giật, té ngã, bị rắn hoặc côn trùng cắn, mắc dị vật cũng là những tai nạn khiến nhiều trẻ phải vào đây cấp cứu. Mỗi năm, bệnh viện này cấp cứu trung bình 20 trẻ ngạt nước, 500 trẻ phỏng nặng, 40-60 trẻ bị ong đốt..., tập trung hầu hết vào những tháng nghỉ hè.

Cấp thiết xử trí ban đầu

Dịp hè, trẻ ở nhà thường xuyên nên các bác sĩ khuyên người trông trẻ phải theo dõi sát, đặc biệt là những trẻ mới biết đi lẫm chẫm; sử dụng ổ cắm điện an toàn bằng cách treo cao hoặc sử dụng loại có nắp đậy; để thuốc, hóa chất xa tầm tay trẻ hoặc cất trong tủ; không cho trẻ đến gần bếp; luôn đậy kín các vật chứa nuớc trong và quanh nhà…

Trường hợp trẻ uống nhầm thuốc, hóa chất, xăng dầu thì cần bình tĩnh, tìm hiểu xem uống nhầm loại gì, số lượng bao nhiêu và phải nhanh chóng móc họng gây nôn, sau đó cho uống nhiều nước ấm rồi tiếp tục móc họng gây nôn nhằm rửa sạch dạ dày và giải độc, giảm tác hại của thuốc hay hóa chất. Lưu ý là phải đặt trẻ nằm nghiêng nhằm tránh để chất nôn, dịch tiết hay nước chảy vào khí quản gây ngưng thở. Sau đó, nhanh chóng đưa đi cấp cứu và nhớ mang theo vỏ loại thuốc hoặc chai hóa chất trẻ đã uống đưa cho bác sĩ.

Nếu trẻ bị phỏng, trước tiên phải chặn đứng nguyên nhân gây phỏng. Sau đó, nhanh chóng làm nguội vết thương bằng cách ngâm vết thương vào nước lạnh từ 15-20 phút hoặc cho đến khi cảm thấy hết đau. Sau đó, giữ vết phỏng sạch sẽ. Tuyệt đối không bôi các chất như bơ, kem đánh răng, giấm, nước mắm... vì dễ làm vết phỏng nhiễm trùng. Nếu trẻ quá đau, có thể cho uống thuốc giảm đau Paracetamol với liều từ 10-15 mg/kg và nhanh chóng đưa đến bệnh viện.

Theo bác sĩ Bạch Văn Cam, Bệnh viện Nhi Đồng 1, khi trẻ bị ong hoặc côn trùng đốt rất dễ sốc phản vệ, có thể gây tử vong rất nhanh. Dấu hiệu nghi ngờ sốc phản vệ là trẻ bị nổi mày đay, mệt, tay chân lạnh, mạch yếu hoặc không có mạch. Nếu thấy những dấu hiệu này, gia đình cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để cấp cứu ngay.

Theo kết quả khảo sát về tai nạn thương tích vừa được Tổ chức Y tế Thế giới công bố mới đây, mỗi năm nước ta có khoảng 8.000 trẻ em tử vong trong độ tuổi từ 0-18 tuổi. Đuối nước là nguyên nhân tử vong nhiều nhất với trung bình mỗi ngày có khoảng 10 trẻ.

Theo Nguyễn Thạnh / Người Lao Động

>> Tắm sông, 3 trẻ em chết đuối
>> Thi công tắc trách, hai trẻ em chết đuối
>> Bốn trẻ em chết đuối
>> Câu cá bị trượt chân, 2 trẻ em chết đuối
>> Tắm ao, 3 trẻ em chết đuối
>> Mùa hè, cảnh giác tai nạn ở trẻ em
>> Tai nạn ở trẻ em

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.