Đừng vội vớ thuốc an thần

12/03/2010 11:42 GMT+7

Ở thiên niên kỷ được tiếng là hiện đại, không mất ngủ mới lạ. Không có gì khó hiểu khi 80 triệu người Đức, theo thống kê của ngành bảo hiểm y tế nước này, hằng năm chia nhau tiêu thụ hơn 900 triệu viên thuốc ngủ.

Tất nhiên, vì đó là giải pháp đơn giản: uống vào ngủ ngay. Thêm vào đó, nhiều thầy thuốc cũng không ngần ngại khi biên toa cho thuốc an thần để tránh mất lòng “thượng đế” đang cáu kỉnh vì lấy đêm làm ngày.

Điều đáng nói hơn chuyện mất ngủ là tuy có hàng trăm loại thuốc ngủ nhưng không đại gia nào trong ngành dược bảo đảm là thuốc không gây phản ứng phụ. Lý do đơn giản là vì không thuốc an thần nào có cơ chế tác dụng hoàn toàn phù hợp với nhịp sinh học cá biệt của mỗi đối tượng.

Hậu quả là hễ dùng thuốc ngủ thì khó dùng một vài lần mà phải tăng dần lượng để rồi sớm muộn tùy cơ tạng của mỗi người, thuốc sẽ mất tác dụng và dẫn đến đủ loại phản ứng phụ khó lường, từ run tay, đãng trí, lờ đờ, mệt mỏi, bước qua trầm uất hay thậm chí thay đổi cá tính và nhất là... mất ngủ.

Sở dĩ như thế còn vì không có thuốc ngủ loại nhẹ. Với thuốc tổng hợp, chỉ có loại cực mạnh hay khá mạnh. Thuốc thuộc loại rất mạnh, chẳng hạn với nhóm barbiturates, bên cạnh khả năng gây ngộ độc, rất có hại vì cơ chế tác dụng chẳng khác nào thuốc gây mê.

Người dùng thuốc không đi vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng tự nhiên mà như bị tê liệt vận động. Toàn bộ bắp thịt rã rời, kể cả cơ tim, khiến hệ tuần hoàn chỉ hoạt động ở mức tối thiểu. Người dùng thuốc khi thức dậy có cảm giác mệt mỏi kéo dài cả ngày vì toàn thân thiếu dưỡng khí.

Hơn thế nữa, thuốc ngủ thuộc nhóm này dễ có nhiều phản ứng tương tác khó lường nếu người mất ngủ dùng thêm thuốc khác như hạ áp, hen suyễn, thấp khớp, dị ứng...

Có mặt thường hơn trong hộc tủ của người thao thức suốt đêm là các loại thuốc an thần thuộc nhóm diazepam. Thuốc này tuy ít độc hơn nhóm trên nhưng vẫn hại không kém, do tác dụng tích lũy vì thường phải dùng lâu dài. Hậu quả là người dùng thuốc sau thời gian ngắn khó tránh vừa trầm uất vừa mất ngủ, nghĩa là gậy ông do ông vét túi tậu về lại nện lưng ông đau điếng!

Theo kết quả nghiên cứu ở Hoa Kỳ, người dùng thuốc an thần nếu kéo dài hơn 3 tháng dễ bị mất ngủ dưới dạng tuy ngủ được ít giờ nhưng rồi giật mình và thức trắng đêm. Bên cạnh đó là tình trạng nín thở trong khi ngủ khiến thiếu máu đột ngột trong não và trên thành tim cũng như phân liệt cá tính, đặc biệt ở người nghiện rượu, dưới dạng lo sợ vô cớ tiến dần sang hoang tưởng và khuynh hướng tự tử. Do đó, ngoại trừ trường hợp cần thiết theo y lệnh của thầy thuốc, cần lưu ý:

- Không dùng thuốc an thần lâu hơn 3 tuần mà không truy tìm nguyên nhân gây mất ngủ.

- Đừng tăng thuốc với mong muốn ngủ cho được bằng mọi giá. Ngược lại, nên cố gắng giảm dần liều lượng cho đến khi ngưng thuốc. Đừng giảm quá nhanh nhưng phải ngưng thuốc cho bằng được.

- Tránh dùng thuốc hóa chất hoặc nếu phải dùng thì tìm cách thay thế bằng dược thảo hay bằng liệu pháp khác càng sớm càng tốt, chẳng hạn thiền định, thư giãn, châm cứu...

Thỉnh thoảng mất ngủ là chuyện... nhỏ nên đừng vội vớ ngay thuốc an thần. Chính nhờ thỉnh thoảng có vài đêm mất ngủ mà khi giấc ngủ yên bình trở lại thì mới dịu ngọt làm sao!

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.