Hiểu đúng về chấn thương thể thao

16/09/2013 03:15 GMT+7

Một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều vận động viên, cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, phải giải nghệ sớm là vì chưa hiểu đúng về điều trị chấn thương thể thao.

Khi bị chấn thương do chơi thể thao, cần được điều trị càng sớm càng tốt - d
Khi bị chấn thương do chơi thể thao, cần được điều trị càng sớm càng tốt - Ảnh: Shutterstock 

Thực tế cho thấy nhiều vận động viên (VĐV) đỉnh cao của Việt Nam thường có tuổi nghề khá ngắn ngủi, rất ít người còn chơi cho đội tuyển khi đã ngấp nghé tuổi 30. Ở những người chơi nghiệp dư, việc tập luyện đều đặn cũng ít khi được duy trì trong suốt 10 - 20 năm. Nhiều trường hợp, nguyên nhân là không hồi phục sau chấn thương. Trong khi đó, trên thế giới, việc một VĐV chuyên nghiệp giành huy chương Olympic ở tuổi 30 không phải chuyện hiếm. Đơn cử là VĐV judo Ryoko Tani-Tamura của Nhật Bản. Ở hạng cân dưới 48 kg, ngoài 7 chức vô địch thế giới, chị từng dự 5 kỳ Olympic (từ 1992-2008) và đoạt huy chương cả 5 lần (2 vàng, 2 bạc, 1 đồng). Tani-Tamura tham dự kỳ Olympic cuối tại Bắc Kinh (Trung Quốc) khi đã 33 tuổi. Một trong những bí quyết để thi đấu đỉnh cao lâu dài của các VĐV nước ngoài là điều trị sớm khi bị chấn thương và tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ.

Điều trị càng sớm càng tốt

Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), cho biết từng gặp nhiều VĐV, cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, đến khám khi các tổn thương cơ xương khớp đã trở nên nghiêm trọng do để lâu. Họ không chịu chữa trị sớm vì nhiều nguyên nhân: sợ ảnh hưởng thành tích nên không nghỉ để điều trị; xem nhẹ các triệu chứng; ngại phẫu thuật... Ở những trường hợp chấn thương nặng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hư khớp. Đặc biệt quá trình này ở VĐV đỉnh cao diễn ra rất nhanh do cường độ vận động rất lớn.

Ví dụ cụ thể là dạng chấn thương trật khớp vai, bệnh nhân vẫn sinh hoạt bình thường, chỉ khi thực hiện những động tác như dạng tay xoay ngoài khi chơi quần vợt, cầu lông mới bị đau hay bị trật. Nếu bệnh nhân cứ “lướt” qua và để tình trạng này kéo dài, vai bị trật khớp nhiều lần sẽ dẫn đến hư mặt sụn khớp. Lúc đó, dù bác sĩ có phẫu thuật khâu lại sụn viền thành công cũng không giải quyết triệt để vấn đề vì đã xảy ra thoái hóa khớp. Tương tự, nhiều VĐV bị đứt dây chằng chéo trước đầu gối mà vẫn băng bó lại để tiếp tục tập luyện. Đây chỉ là giải pháp tâm lý vì khớp gối vẫn bị mất vững, sụn chêm và sụn khớp gối bị hư dần, dẫn đến thoái hóa hoàn toàn mặt sụn khớp.

Tuân thủ quy trình điều trị

Theo bác sĩ Nam Anh, bệnh nhân cần tuân thủ quy trình điều trị, bao gồm thời gian bình phục và tập luyện phục hồi chức năng bằng vật lý trị liệu. Việc VĐV nôn nóng tập luyện, thi đấu quá sớm sau khi bị chấn thương sẽ dẫn đến nhiều hậu quả xấu. Thời gian phục hồi thay đổi tùy theo từng loại chấn thương nhưng luôn tuân theo điều kiện lành sinh lý của mô, có uống thuốc hoặc dùng phương pháp gì cũng không rút ngắn được.

Đơn giản như rách cơ đùi cũng phải mất 3 tuần để lành mô xơ và thêm 3 tuần nữa để có thể thi đấu một cách an toàn. Bệnh nhân bị gãy xương sẽ mất từ 6-8 tháng để xương lành, tập sớm sẽ dẫn đến nhiều hậu quả như chậm lành xương do mất vững tương đối của vùng xương gãy, xương bị di lệch do vận động mạnh... Trường hợp được mổ tái tạo dây chằng chéo đầu gối, dây chằng “mới” phải mất tối thiểu 1 năm để có thể thật sự thay thế dây chằng bị đứt. Chưa đủ thời gian này, phần được tái tạo vẫn còn là mô xơ, nếu vận động mạnh rất dễ bị đứt trở lại.

Đáng chú ý là khi tái chấn thương, việc điều trị sẽ rất phức tạp. Chẳng hạn ở những ca được mổ khâu lại sụn viền khớp vai bị rách, để chơi thể thao lại, bệnh nhân cần từ 6 tháng đến 1 năm (tùy cường độ vận động) để đảm bảo bao khớp và sụn bám chặt vào xương. Nếu tập sớm quá sẽ làm bung sụn viền. Mổ để khâu lại sẽ rất khó vì bên trong khớp mô xơ bám nhiều làm thay đổi cấu trúc. Khâu lại khi mô chưa lành hẳn cũng cho chất lượng không tốt. Ngoài ra, những vị trí “chiến lược” để khâu đạt hiệu quả cao đã được dùng trong lần mổ đầu tiên.

Lan Chi

>> Chấn thương trong thể thao
>> Tát thiếu nữ, bị đánh chấn thương sọ não
>> Chấn thương do vừa đi vừa điện thoại
>> Chấn thương cột sống, tủy sống cổ
>> Bệnh lý thần kinh thị do chấn thương
>> Giảm đau do chấn thương cột sống
>> Sơ cứu chấn thương cột sống

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.