Khai thác dược liệu phải đi đôi với bảo tồn

22/04/2011 01:05 GMT+7

Tình trạng khai thác quá mức đang đặt nguồn dược liệu (DL) quý trong nước đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, ông Phạm Vũ Khánh, Vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền - Bộ Y tế, cho biết:

>>  Cạn kiệt dược liệu quý

Một trong những nguyên nhân cạn kiệt là do việc khai thác chưa đi đôi với bảo tồn. Trong khai thác truyền thống, việc thu hái DL tuân thủ theo mùa, vụ và tuổi của cây. Những cây chưa đủ tiêu chuẩn bao giờ cũng được để lại cho mùa sau. Thế nhưng, có thể vì tính thương mại, hối thúc từ thị trường và sự thiếu kiến thức, thiếu sự hướng dẫn đầy đủ khiến người dân hiện mới chỉ chú trọng việc thu hái mà quên mất việc tái tạo, bảo tồn DL.

Thưa ông, thu mua DL tiểu ngạch đang dẫn đến tình trạng chất lượng DL không được kiểm soát. Chúng ta đã có biện pháp gì?

Mới hoàn chỉnh 3 hồ sơ sản phẩm

Bộ Y tế đang tiến hành xây dựng hoàn chỉnh 40 bộ hồ sơ DL có tiềm năng khai thác và phát triển  thị trường. Trong đó hoàn chỉnh bộ hồ sơ của 3 DL: hồi, sâm Ngọc Linh và trinh nữ hoàng cung để phát triển thành sản phẩm thuốc quốc gia, bảo đảm tính cạnh tranh cao trên thị trường. Tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ các DL: quế, tràm, actiso cho việc đánh giá về khả năng phát triển thành sản phẩm quốc gia.

DL vốn rất khó khăn trong kiểm soát chất lượng, chủ yếu dựa vào cảm quan, kinh nghiệm. Việc mua DL qua tiểu ngạch càng khó khăn cho kiểm soát chất lượng vì sẽ không biết rõ được nguồn gốc chính xác. Để khắc phục tình trạng này, các cơ sở sử dụng thuốc y học cổ truyền, sử dụng DL sản xuất thuốc đều có hội đồng thuốc, có bộ phận kiểm tra đánh giá chất lượng. Ngoài ra, chúng ta có các kiểm nghiệm ngẫu nhiên, chủ yếu do các viện kiểm nghiệm thực hiện. Nhưng đúng là còn nhiều khó khăn vì liên quan đến kinh phí và chủ yếu mới tập trung được ở Hà Nội và  TP.HCM.

Theo ông, đâu là giải pháp hiệu quả cho bảo tồn DL?

Chúng ta đã có chiến lược cụ thể cho bảo tồn phát triển DL gắn với quy hoạch vùng DL. Với quy hoạch này, người trồng sẽ được hướng dẫn về quy trình chăm sóc, thu hái, nhờ đó sẽ đảm bảo tốt nhất về chất lượng cũng như bảo tồn DL. Sản phẩm từ nguyên liệu DL sạch giúp nâng cao chất lượng điều trị trong nước đồng thời hiệu quả thương mại rất cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra các thị trường khó tính. 

Còn vấn đề chất lượng đang được chú trọng với việc nâng cấp các thiết  bị, tăng cường lấy mẫu ngẫu nhiên kiểm nghiệm. Các phát hiện DL nhiễm chất nguy hại đều được thông báo thu hồi, ngưng sử dụng kịp thời.

144 loài cây thuốc thuộc diện quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng    

Theo điều tra của Viện Dược liệu, trong tổng số 3.948 loài cây thuốc, gần 90% là cây thuốc mọc tự nhiên, tập trung chủ yếu trong rừng, chỉ có gần 10% là cây thuốc trồng. Thống kê mới nhất của Viện Dược liệu, có 144 loài cây thuốc thuộc diện quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng cần được bảo tồn. Trong số đó có rất nhiều loài cây thuốc quý như sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis), sâm vũ diệp (P. bipinnatifidus), tam thất hoang (P.stipuleanatus), các loài hoàng liên (Berberis spp.), bách hợp (Lilium brownii), biến hóa núi cao (Asarum balansae), thanh mộc hương (Aristolochia tuberosa), ba kích (Morinda officinalis), đảng sâm (Codonopsis javanica)... (Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang)

Liên Châu (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.