Lại nói về cây “thần diệu” Moringa

31/10/2007 23:45 GMT+7

Nhiều ngày qua, bạn đọc Thanh Niên liên tục hỏi về hạt giống cây "thần diệu" Moringa. Bên cạnh một số bạn muốn trồng cây trong chậu như... bonsai, phần lớn mong muốn có hạt giống để trồng trên diện rộng.

Những tấm lòng vô vụ lợi

Đây cũng là ý nguyện của ông bà TS Trần Tiễn Khanh - Nguyễn Khoa Diệu Lê. Chúng tôi đã liên lạc với ông bà và nhận được những thông tin mới nhất.

Bạn Phan Minh Cường, sinh viên Đại học An Giang viết cho TS Trần Tiễn Khanh: "Tôi thấy loại cây này có nhiều tính năng diệu kỳ. Tôi có ý muốn nhân rộng giống khắp các tỉnh thành miền Nam để bà con được biết cũng như góp phần tăng dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe cho đồng bào. 100 hạt giống đầu tiên đã được nhà báo Thanh Niên phân phát cho một số nông dân ở miền Trung rồi. Nay tôi muốn có một ít hạt để nhân giống. Tôi xin hứa với TS, khi thu hoạch sẽ phân phát một cách vô vụ lợi cho bà con". Anh Nguyễn Quốc Sản, thay mặt một nhóm anh em công nhân ở Công ty Cao su Dầu Tiếng (Bình Dương) viết: "Nhân đọc bài nói về cây Moringa, chúng tôi rất muốn có một ít hạt để trồng thử ở đất Dầu Tiếng. Liệu TS có thể cho chúng tôi một ít hạt Moringa không? Và làm sao để có thể nhận được các hạt giống này? Xin cảm ơn trước và mong nhận hồi âm của TS".

Từ vùng đất khô cằn Bình Thuận, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: "Chúng em là người con của quê hương Bình Thuận và Quảng Nam, đọc báo thấy nói về cây Moringa là cây thần diệu lại dễ trồng. Hiện tại, đất ở quê em không thể chuyên canh giống cây gì được nên bà con toàn trồng cây keo tràm để bán làm nguyên liệu giấy. Đất đã khô cằn ngày càng khô cằn. Nay, chúng em thấy cây này rất có ý nghĩa với bà con trong đời sống hằng ngày nên viết thư này gửi TS xin một ít hạt giống để trồng thử".

1.000 hạt giống sẽ về tới VN

Ông Võ Ngọc Ký, nông dân ở Đức Phổ (Quảng Ngãi), người đầu tiên ở VN được tặng hạt giống Moringa - Ảnh: Đ.N.K

Sau khi nhận được e-mail của một số bạn đọc từ VN và một số tin nhắn cộng e-mail do chúng tôi chuyển sang, TS Trần Tiễn Khanh cho biết, ông sẽ tiếp tục gửi về một ít hạt giống Moringa nhờ chuyển đến một số bạn đọc vùng sâu vùng xa. Vợ ông, bà Nguyễn Khoa Diệu Lê cũng đã sốt sắng xuất tiền túi mua 1.000 hạt giống và sẽ trực tiếp mang về VN dịp cuối năm nay.

Do không thể đáp ứng hết nhu cầu nên ông bà chỉ có thể biếu mỗi người vài hạt. Ông nhắc, nếu ai có thân nhân tại Mỹ, có thể nhờ họ mua giúp với giá niêm yết 100 hạt/20 USD, gửi theo đường bưu điện. Đây là hàng miễn thuế. Bạn đọc cũng có thể vào website marikosfamilyfarm.com  để tự đặt mua. Về một số trường hợp cần mua nhiều hạt giống như ông Nguyễn Thanh Hà ở đường Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận, TP.HCM cần mua 200 hạt để trồng đại trà ở Quảng Bình xin ông liên lạc trực tiếp với TS Trần Tiễn Khanh tại số 206 Black Eagle Ave Henderson, NV 89015, USA; điện thoại (702) 564- 9186; e-mail: kttran@amiace.com để biết thêm chi tiết.

Trồng cây Moringa như thế nào?

Ông bà TS Trần Tiễn Khanh đã trồng thử cây Moringa tại nhà ở Nevada (Mỹ). Theo đề nghị của chúng tôi, ông bà hướng dẫn như sau:

1. Ngâm hạt trong nước lạnh 24 giờ.

2. Lấy hạt ra rồi bỏ trong bao nylon. Đặt bao nylon vào chỗ ấm/nóng và tối để hạt nảy mầm. Đừng thêm nước vào bao nylon.

3. Sau vài ba ngày hạt giống sẽ nảy mầm. Đem hạt ra trồng vào chậu có lớp đất mỏng phủ lên trên.

4. Trồng trong chậu  khoảng 8 tuần trước khi đem trồng ngoài đất. Trồng cây cách nhau khoảng 2 - 3 mét.

5. Cây Moringa thích nắng, chịu khô hạn. Có thể tưới nước nhưng đừng để rễ cây bị úng nước.

Theo bà Nguyễn Khoa Diệu Lê, vì các chất dinh dưỡng cao nên hiện nay các cơ quan quốc tế như World Health Organization (WHO/Tổ chức Sức khỏe thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc) và nhiều cơ quan thiện nguyện đang khuyến khích và hỗ trợ việc trồng cây Moringa. Nếu được trồng nhiều ở các vùng đất khô cằn, nhiều nắng hạn và thiên tai ở nước ta, cây Moringa có thể giúp chống nạn thiếu dinh dưỡng của người dân ở những vùng xa vùng sâu. Còn ở thành phố, nó sẽ là loài rau sạch, không hóa chất.

Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là do kinh nghiệm trồng và tiêu thụ thương phẩm Moringa tại nước ta chưa có, nên khi trồng nhằm mục đích kinh doanh loại cây này bà con nông dân cần tìm hiểu kỹ và tốt nhất là nên được các nhà khoa học tư vấn trước khi trồng đại trà.

Chùm ngây/Moringa Oleifera đã có mặt tại VN từ lâu!

Thật thú vị, trong quá trình thực hiện bài này, chúng tôi nhận được e-mail của chị Thanh Tâm (quận 4, TP.HCM). Chị viết: "Thấy cây Moringa trên mạng, em cảm thấy nó giống một loại cây rau trong vườn nhà của bà nội em ở Cam Ranh. Đúng là thứ rau ấy nấu canh tôm ăn rất ngon mà bà em gọi là cây chùm ngây".  Theo chị, cây cao lớn và giòn. Năm qua, bị bão nên cây gãy. Bà nội chị trồng lại khoảng 10 cây, không cho cao lên, hằng ngày bà hái lá để luộc và nấu canh ăn. Chị đã lập dự án xen canh cây chùm ngây với cây dó bầu bởi theo chị chùm  ngây ở VN đang có nguy cơ tuyệt chủng.

So sánh những thông tin do chị đưa ra, chúng tôi đi đến khẳng định: Cây "thần diệu" Moringa đích thị cây chùm  ngây ở VN. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (

www.wikipedia.org), cây Moringa là chi duy nhất trong họ chùm ngây (Moringaceae). Loài phổ biến nhất là chùm ngây (cải ngựa/ Moringa Oleifera) và đây là loài duy nhất của chi này có mặt tại VN. Một cư dân mạng, anh Lê Hoàng Hải đã chụp được hình cây Chùm ngây. Điều tra 2001-2005 của Viện Khoa học nông nghiệp VN cũng cho biết, Trung tâm Tài nguyên di truyền thực vật đã thu thập giống cây chùm  ngây (Moringa Oleifera) ở Nam Trung Bộ.

Tại một bài viết của dược sĩ Trần Việt Hưng, chùm ngây là một cây khá độc đáo, vừa là một cây thực phẩm vừa là một nguồn dược liệu khá đặc biệt. Cây rất hữu dụng cho các quốc gia nghèo. Tại Việt Nam cây được trồng tại các tỉnh phía nam từ Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết vào đến Kiên Giang và cả tại đảo Phú Quốc. Cây thuộc loại đại mộc, có thể mọc cao 5 đến 10m. Lá có thể ăn tươi hoặc sau khi nấu chín. Quả cũng có thể ăn được. Tóm lại, Moringa/chùm ngây là cây dinh dưỡng, cây dược liệu và cũng là cây thực phẩm. Tuy nhiên, để sử dụng chiều sâu, cần có những khuyến cáo khoa học, sơ chế hoặc bào chế bởi các nhà dược học. Theo dược sĩ Trần Việt Hưng, hiện nay chưa có những báo cáo về những nguy hại đối với sức khỏe trong việc sử dụng hạt và rễ chùm ngây theo các liều lượng trị liệu. Tuy nhiên nếu dùng liều quá cao có thể gây ra buồn nôn, chóng mặt và ói mửa. Mặt khác, ông lưu ý, phụ nữ có thai không nên dùng rễ chùm ngây, vì có khả năng gây trụy thai.

Tại Long An, do thường bị lũ lụt, bà con thường lấy hạt chùm ngây nghiền nát, trộn đều với nước thành một dung dịch đậm đặc, rồi đổ vào nước khuấy đều trong 5 phút. Để lắng 1-2 giờ, các chất cặn bẩn sẽ bị loại bỏ hoàn toàn. Nước sạch này còn được sát khuẩn do tác dụng của chất dầu cay trong hạt, nên có thể dùng ngay làm nước uống. Tương tự, ở một số nước châu Phi, người dân vùng núi cao vẫn sử dụng hạt chùm  ngây để làm sạch và sát khuẩn nước dùng sau những trận lũ lụt xảy ra hằng năm.

Đ.N.K  (tổng hợp)

Đ.N.K

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.