Lai rai như tai mũi họng

23/11/2015 08:02 GMT+7

Có một thực tế đáng ngạc nhiên là các bệnh lý tai - mũi - họng ngày càng phổ biến và trở nên bất trị.

Có một thực tế đáng ngạc nhiên là các bệnh lý tai - mũi - họng ngày càng phổ biến và trở nên bất trị.

Những “hiệp sĩ” bịt mặt
Hiện nay, ô nhiễm không khí ở VN đang ở mức báo động dẫn đến tình trạng các bệnh về hô hấp ngày một gia tăng, và kéo theo đó là sự xuất hiện của những căn bệnh nghiêm trọng như viêm phế quản, viêm phổi cấp - mãn tính… Bệnh ở vùng tai - mũi- họng (TMH) dễ nhiễm, dễ lây lan nhưng lại khó hết, bởi các bệnh lý TMH thường liên quan với nhau, gây khó chịu, nhì nhằng không dứt, nên trong dân gian mới lưu truyền câu: “Lai rai như tai mũi họng”.
TS-BS Võ Xuân Quang - Phòng khám Yersin, TP.HCM cho biết ở nước ta tình trạng viêm mũi dị ứng xảy ra quanh năm vì dị ứng nguyên tràn lan trong bụi bặm rất nhiều. Đây cũng là nỗi khổ tâm của các bác sĩ TMH. Để hạn chế lượng bụi bặm hít vào, mỗi khi ra đường, người người đều thủ sẵn một vài cái khẩu trang, vì thế đâu đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những “hiệp sĩ” bịt mặt. Tuy nhiên, phần lớn các loại khẩu trang đang được bày bán ngoài đường không ngăn được các vi sinh vật gây bệnh, mà chỉ hạn chế được phần nào các loại bụi thô (cát đá xây dựng, khói đen xe tải)... vốn không được phép tồn tại trong thành phố.
“Cũng đã có không ít người lên tiếng về tình trạng ô nhiễm không khí và cả tiếng ồn. Cũng đã có những tiêu chuẩn, quy định về ngưỡng bụi bặm, ngưỡng tiếng ồn cho các đô thị được ban hành, nhưng xem ra vẫn chưa có hiệu quả thực tế. Nhưng không vì thế mà chúng ta bỏ phố lên rừng để tìm bầu không khí trong lành, lại càng không thể suốt ngày ra đường bịt mũi, bịt tai kín mít. Vấn đề cần bàn ở đây là việc kiểm soát tình trạng ô nhiễm cần phải có vai trò quản lý nhà nước để giảm bớt các nguồn gây ô nhiễm”, TS-BS Xuân Quang nói.
Bệnh “ăn theo” mùa
Theo TS-BS Võ Xuân Quang, điều mà ít ai biết được là 90% các loại khẩu trang đang được bày bán đầy rẫy ngoài đường chỉ hạn chế được phần nào các loại bụi thô chứ không ngăn được các vi sinh vật gây bệnh, lại càng không ngăn được các loại bụi PM10 là loại bụi tinh (chủ yếu gây nên các bệnh hô hấp).
Nhiều bác sĩ nhận định bệnh TMH đang có chiều hướng tăng do tình trạng ô nhiễm môi trường, thức ăn có nhiều hóa chất, cuộc sống áp lực dễ gây stress làm giảm sức đề kháng và đặc biệt khi thời tiết thay đổi, các bệnh này cũng mon men “ăn theo”.
Thời tiết những tháng cuối năm luôn biến động, không khí thường se lạnh vào buổi sáng sớm, nhất là ở khu vực miền Bắc, nhiệt độ hạ xuống thấp, lạnh, buốt, kéo theo nhiệt độ cơ thể cũng giảm nên dễ dẫn đến các bệnh về đường hô hấp. Không có ai trong đời mà chưa từng bị sụt sịt, nghẹt mũi, hắt hơi, viêm họng và ai cũng biết bệnh TMH dù không nặng nhưng vô cùng khó chịu.
Theo TS-BS Xuân Quang, khi bị viêm mũi dị ứng do lạnh, triệu chứng đầu tiên thường thấy là tiết dịch mũi nhiều, hắt hơi, nghẹt mũi, nặng có thể gây nhức đầu. Triệu chứng có thể tự hết mà cũng có thể kéo dài và nặng lên thành viêm xoang nếu không chú ý kịp thời. Đối với những người đã có bệnh viêm xoang mạn tính, khi gặp lạnh, bệnh có thể tái phát và nặng lên nếu không được điều trị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.