Ngăn đại dịch, ngừa hoảng loạn

27/04/2009 16:30 GMT+7

(TNO) Cả thế giới đang chạy đua với thời gian để cùng lúc vừa tìm cách tránh một đại dịch cúm heo H1N1 trên toàn cầu, vừa tránh gây hoảng loạn thái quá đối với cư dân khắp hành tinh. >>Cúm heo hoành hành ở Mexico >>Báo động cúm heo ở Mexico, Mỹ

Tin xấu

Tin xấu dồn dập xuất hiện, mới nhất là 6 người nhiễm cúm heo ở Canada. Như vậy, từ thời điểm được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 13.4 vừa qua ở Mexico, dịch cúm heo đã lan ra các nước lân cận là Mỹ, Canada và có thể đã đi rất xa. New Zealand, Pháp, Tây Ban Nha, Israel và Úc đều có các ca nghi nhiễm cúm heo đang được theo dõi. Hầu hết các trường hợp này đều đã đến Mexico.

 Binh lính Mexico City đeo khẩu trang trong khi tuần tra trong thành phố - Ảnh: AFP

Ở “đại bản doanh cúm heo Mexico”, AFP đưa tin số người thiệt mạng vì nghi nhiễm cúm heo đã lên đến 103 trong ngày 26.4 so với con số 81 được thông báo một ngày trước đó. 400 người phải nhập viện vì nghi nhiễm H1N1 trong tổng số 1.614 ca đang được theo dõi vì loại vi rút chết người này.

Ở Mỹ, chính quyền đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế để có thể vận chuyển khoảng 12 triệu liều thuốc chống cúm từ kho dự trữ liên bang đến các bang ngay khi cần thiết.

Việc vi rút gây bệnh cúm heo biến thể sang những loại nguy hiểm hơn và dễ lây lan hơn vẫn đang là ác mộng với giới chuyên môn vì lúc đó, đại dịch rất dễ xảy ra. Các cuộc nghiên cứu nước rút đang được thực hiện.

Giới chuyên môn đã xác định được một chủng vi rút cực độc có thể gây ra đại dịch cực kỳ khó chữa trị. Tuy nhiên, đến nay, WHO vẫn chưa biết loại này có thể dễ dàng lây lan từ người mang bệnh ban đầu sang người thứ hai và từ người thứ hai này qua nạn nhân thứ ba hay không.

Việc cúm heo đang xảy ra rải rác ở nhiều nơi trên thế giới ở những vị trí rất cách xa nhau khiến cho các cuộc điều tra và nghiên cứu gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, BBC đưa tin các nhà khoa học cũng đang cố gắng để trả lời câu hỏi vì sao H1N1 nghiêm trọng đến độ cướp đi mạng sống của nhiều người (như ở Mexico) trong khi chỉ gây ra những triệu chứng như bị một cơn cảm nhẹ ở nhiều người khác.

Tin tốt

Những đại dịch cúm toàn cầu từng xảy ra:
- 1918: Dịch cúm Tây Ban Nha, đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại. 40% dân số vào lúc bấy giờ đã nhiễm bệnh, trong đó hơn 50 triệu người thiệt mạng. Thành phần bị bệnh nhiều nhất là thanh niên.
- 1957: Dịch cúm châu Á đã cướp đi mạng sống của 2 triệu người. Đại dịch do một biến thể của vi rút H2N2 gây ra sau khi kết hợp với một dòng cúm có ở vịt trời. Trong đại dịch này, người già bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
- 1968: Đợt bộc phát bệnh đầu tiên xảy ra ở Hồng Kông, do dòng cúm H3N2 gây ra, cướp đi mạng sống của tổng cộng 1 triệu người, trong đó nhiều nhất là những cụ già trên 65 tuổi.

Nhưng cũng có những tin tốt lành, hay ít nhất là không quá xấu như mọi người vẫn đang lo sợ. Thứ nhất, WHO cho biết “kinh nghiệm xương máu” nhiều năm qua vật lộn với vi rút cúm gia cầm đã giúp cho thế giới dự trữ một lượng rất lớn kháng sinh, trong đó có Tamiflu, loại dược phẩm đã được chứng minh là có thể chống lại cúm heo hữu hiệu. Ngoài ra, các công đoạn chuẩn bị để sản xuất vaccine chống cúm heo cũng đang được tiến hành. Hiện chưa rõ các loại vaccine ngừa cúm hiện đang có sẵn trên thị trường có hiệu quả đối với loại cúm heo mới hay không.

Ngoài ra, sự việc có lẽ cũng không quá nghiêm trọng so với tâm trạng hoảng loạn đang tồn tại trên toàn cầu. WHO và chính phủ các nước đang nhấn mạnh với dư luận rằng đây không phải là một đại dịch cúm, hay ít nhất là điều này chưa xảy ra và sự bình tĩnh là điều cực kỳ cần thiết trong bối cảnh này. Hiện giới chuyên môn cũng chưa biết rõ loại cúm mới này có dễ dàng lây lan hay không, một điểm mấu chốt để xác định liệu đại dịch có xảy ra hay không.

Nhưng dù sao đi nữa, viễn cảnh tồi tệ về một đại dịch kinh khủng trên toàn cầu vẫn cứ đang ám ảnh tất cả các quốc gia. Và cuộc chạy đua để đi trước nó đang diễn ra ráo riết trên toàn thế giới.

Hoang mạc Mexico City

Thủ đô sầm uất Mexico City của Mexico bỗng vắng vẻ như hoang mạc từ ngày hôm qua, 26.4. Cả 20 triệu dân Mexico City đều cố gắng hết sức để tuân thủ tối đa mệnh lệnh của chính quyền tránh xa mọi đám đông. Một  trận bóng đá hấp dẫn trên sân vận động 105.000 chỗ ngồi diễn ra vào hôm qua mà không có lấy một cổ động viên nào vào xem!

 Nhân viên y tá kiểm tra nhiệt độ của các hành khách tại sân bay Kuala Lumpur - Ảnh: Reuters

BBC đưa tin nhiều cư dân ở đây thậm chí đã đi khỏi thành phố.

Các trường phổ thông, trường đại học, quán rượu, nhà hàng… vẫn đóng cửa im ỉm trong nhiều ngày. Mấy ngày qua, chỉ có các siêu thị, cửa hàng tạp hóa là đông đúc trong bối cảnh thiên hạ đổ xô đi mua thực phẩm, nước uống dự trữ.

Cư dân Mexico City chọn cách ở yên trong nhà hoặc ra khỏi thành phố, còn khách du lịch tất nhiên có lý do để rời xa “đại bản doanh cúm heo”, đua nhau hủy các chuyến đi đến đây. Ngành xuất khẩu thịt heo và các sản phẩm từ heo của Mexico đã bắt đầu bị ảnh hưởng. Nga đã cấm nhập các sản phẩm này từ Mexico, mặc dù WHO khẳng định rằng không có bằng chứng nào cho thấy ăn thịt heo hoặc tiếp xúc với heo có thể lây bệnh mà đây là bệnh lây từ người sang người.

Ở các quốc gia khác, nhiều biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh được đưa ra, trong đó phổ biến nhất là tiến hành đo thân nhiệt của hành khách ở các sân bay và cách ly những người đến từ các khu vực có dịch nếu họ có triệu chứng của cúm.

Đoan Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.