Nghiên cứu mới tìm ra lý do một số người mắc Covid-19 chỉ có triệu chứng nhẹ

Thiên Lan
Thiên Lan
26/07/2021 00:09 GMT+7

Hiện các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân tại sao một số người chỉ mắc Covid-19 thể nhẹ, trong khi những người khác lại gặp các triệu chứng nghiêm trọng, theo med.stanford.edu .

Theo dữ liệu ghi nhận được, đa số các trường hợp Covid-19 có triệu chứng nhẹ, chủ yếu bao gồm các triệu chứng giống như cảm lạnh.
Ở những bệnh nhân Covid-19 nhẹ, các nhà nghiên cứu từ Đại học Stanford (Mỹ), đã phát hiện ra rằng họ có nhiều khả năng là trước đó đã nhiễm các virus corona tương tự, nhưng ít độc hơn.
Kết quả nghiên cứu, vừa được công bố trên tạp chí khoa học Science Immunology, đã giúp giải thích tại sao một số người, đặc biệt là trẻ em, không hề hấn gì khi nhiễm Covid-19.
Đồng thời, nghiên cứu cũng giúp dự đoán những người nào có nguy cơ mắc Covid-19 nặng nhất, theo med.stanford.edu.

Hơn 80% bệnh nhân Covid-19 diễn biến nhẹ nhưng không thể coi thường

Nghiên cứu mới, do Trường đại học Y khoa Stanford thực hiện, đã tìm ra lý do tại sao một số người chỉ mắc Covid-19 nhẹ so với những người khác.
Qua phân tích mẫu máu của các bệnh nhân Covid-19 nặng và nhẹ, các nhà khoa học đã nhận thấy rằng những người bị Covid-19 có thể gặp phải các triệu chứng nhẹ hơn nếu một loại tế bào miễn dịch - là các tế bào sát thủ T của họ vẫn "nhớ mặt" virus corona gây cảm lạnh thông thường mà họ đã bị nhiễm trước đó.
Vì vậy, các tế bào sát thủ T này được trang bị tốt hơn để “huy động lực lượng” nhanh hơn nhằm kịp thời bảo vệ cơ thể chống lại virus Covid-19, theo med.stanford.edu.
Tế bào T là một trong những tế bào bạch cầu quan trọng của hệ thống miễn dịch và đóng vai trò trung tâm trong phản ứng miễn dịch.
Tế bào T sát thủ, là chất gây độc tế bào, có nhiệm vụ chống lại virus, hoạt động bằng cách nhận diện virus ở tế bào bị nhiễm virus và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm virus này.
Nghiên cứu này, cho thấy các tế bào T sát thủ của những bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nhất - có ít dấu hiệu cho thấy người bệnh đã mắc các loại virus corona gây cảm lạnh thông thường trước đó.
Hệ thống miễn dịch có vô số cách để chống lại virus xâm nhập cơ thể và ngăn chúng quay trở lại.
Nghiên cứu mới tìm ra lý do tại sao một số người chỉ mắc Covid nhẹ1

Các tế bào sát thủ T này được trang bị tốt hơn để “huy động lực lượng” nhanh hơn nhằm kịp thời bảo vệ cơ thể chống lại virus 

ẢNH: SHUTTERSTOCK

Tế bào T tuần tra trong cơ thể có nhiệm vụ tìm ra và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh, nhằm phá vỡ khả năng tái tạo của virus. Các tế bào miễn dịch này cũng có thể tồn tại trong nhiều năm.
Tác giả cấp cao, tiến sĩ Mark Davis, giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại Đại học Stanford và là điều tra viên của Viện Y khoa Howard Hughes (Mỹ), cho biết kháng thể rất dễ bị đánh lừa.
Ông nói thêm: “Mầm bệnh phát triển nhanh chóng và 'học' cách trốn khỏi các kháng thể”.
“Nhưng tế bào T nhận ra mầm bệnh theo một cách khác và rất khó để bị đánh lừa”.
Khi thụ thể của tế bào T sát thủ nhận thấy dấu hiệu của virus xâm nhập vào một tế bào nào đó - tế bào T sẽ tuyên chiến. Nó nhân lên một cách nhanh chóng và tạo ra vô số tế bào con - nhắm mục tiêu tiêu diệt bất kỳ tế bào nào mang mầm bệnh.
Một số tế bào con này sẽ trở thành “tế bào T ghi nhớ” với độ nhạy cao và tuổi thọ đặc biệt. Chúng thường trực trong máu và hệ bạch huyết trong nhiều thập kỷ, sẵn sàng hoạt động. Sự sẵn sàng đó có thể tiết kiệm thời gian quý báu trong việc ngăn chặn một loại virus đã gặp trước đó hoặc một loại virus tương tự, như SARS-CoV-2, theo med.stanford.edu.

Các vắc xin Covid-19 nổi tiếng ở Việt Nam sử dụng công nghệ gì?

Giáo sư Davis nói: “Cho đến nay, các 'tế bào ghi nhớ' là hoạt động tích cực nhất trong việc phòng chống bệnh truyền nhiễm. Chúng giúp chống lại mầm bệnh tái phát. Và người ta tạo ra vắc xin theo cơ chế này".
Giáo sư Davis cho biết, ở những bệnh nhân Covid-19 mà mới đây không bị nhiễm loại virus corona gây cảm lạnh thông thường, các tế bào T sát thủ “không quen” với SARS-CoV-2 phải mất vài ngày để tăng sinh đủ để tấn công virus. Khoảng thời gian bị mất này khiến cho virus SARS-CoV-2 có thể tấn công người bệnh gây ra bệnh nặng, theo med.stanford.edu.
Trong khi đó, những bệnh nhân Covid-19 nhẹ, có xu hướng có nhiều tế bào sát thủ T đã “nhớ mặt” các chủng virus corona khác, sẵn sàng để tấn công Covid-19.
Giáo sư Davis nói: “Có thể những bệnh nhân bị Covid-19 nặng là do thời gian gần đây không bị nhiễm các chủng virus corona nhẹ, vì vậy họ không giữ lại các tế bào sát thủ T ghi nhớ”.
Giáo sư Davis lưu ý rằng các chủng corona gây cảm lạnh thông thường, gây hắt hơi sổ mũi xảy ra rất nhiều ở trẻ em, chiếm đến 80%. Có thể vì vậy mà trẻ em hiếm khi nhiễm Covid-19 nặng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.