Người tiêm kết hợp vắc xin Covid-19 cần được theo dõi chặt chẽ

Liên Châu
Liên Châu
15/07/2021 04:10 GMT+7

Theo Bộ Y tế ngày 14.7, trường hợp số lượng vắc xin Covid-19 hạn chế thì ưu tiên sử dụng vắc xin Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca từ 8 - 12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý.

Liên quan triển khai tiêm vắc xin Covid-19 tại Việt Nam, ngày 14.7, Bộ Y tế cho biết hiện đã phê duyệt có điều kiện vắc xin Covid-19 của các hãng: AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Moderna, Sinopharm.
Theo Bộ Y tế, hiện nay, hướng dẫn của các nhà sản xuất vắc xin đều khuyến cáo sử dụng cùng một loại vắc xin phòng Covid-19 để tiêm đủ liều cho một đối tượng. Tuy nhiên, trên thực tế, trong bối cảnh nguồn cung vắc xin Covid-19 rất hạn chế, việc tiếp cận nguồn cung để có đủ vắc xin tiêm mũi 2 ngay khi đến lịch tiêm cho các đối tượng đã được tiêm mũi 1 của cùng một loại vắc xin là rất khó khăn.

Việt Nam mua thêm 20 triệu liều vắc xin Covid-19 Pfizer cho lứa tuổi 12 đến 18

Một số quốc gia đã xem xét và triển khai tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca và tiêm mũi 2 vắc xin Pfizer. Theo báo cáo tại các quốc gia này, việc triển khai tiêm chủng 2 mũi vắc xin khác loại như trên cho cùng một đối tượng vẫn có hiệu lực bảo vệ phòng Covid-19. Tuy nhiên, khi tiêm 2 loại vắc xin AstraZeneca và Pfizer, có ghi nhận gia tăng một số phản ứng thông thường sau tiêm chủng.
Tại Việt Nam, đến ngày 14.7 đã có 3,7 triệu người tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca và hơn 280.000 người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin AstraZeneca.
Trong thời gian tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ các loại vắc xin Covid-19 của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm... để tổ chức tiêm chủng theo chiến dịch, hướng tới mục tiêu đạt được độ bao phủ vắc xin cho hơn 70% người dân.

Vắc xin Covid-19 nào được Bộ Y tế cho phép tiêm trộn?

Chỉ tiêm kết hợp nếu người được tiêm chủng đồng ý

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và của các nhà sản xuất, tốt nhất mỗi người cần tiêm đủ liều của cùng một loại vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, căn cứ số lượng vắc xin được cung ứng hiện nay, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cho các địa phương như sau: “Trường hợp số lượng vắc xin hạn chế thì ưu tiên sử dụng vắc xin Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 của AstraZeneca từ 8 - 12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý”. Đồng thời, Bộ Y tế lưu ý: Những trường hợp tiêm chủng như vậy phải được theo dõi sức khỏe chặt chẽ hơn sau khi tiêm.
Bộ Y tế cũng cho biết, đến nay có khoảng 124 triệu liều vắc xin cam kết cung ứng cho Việt Nam tới cuối năm 2021 từ nguồn hỗ trợ của Chương trình Giải pháp tiếp cận vắc xin phòng Covid-19 toàn cầu (COVAX Facility) 38,9 triệu liều; Bộ Y tế đàm phán trực tiếp mua vắc xin của Pfizer/BioNTech 31 triệu liều; mua vắc xin của AstraZeneca 30 triệu liều; Tập đoàn T&T mua 40 triệu liều vắc xin Sputnik-V của Nga và sẽ hỗ trợ miễn phí 20 triệu liều cho Bộ Y tế; và khoảng 3,5 triệu liều vắc xin do chính phủ Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, đại sứ quán các nước hỗ trợ.
Tuy nhiên, do nguồn cung vắc xin khan hiếm trên toàn thế giới, nên 6 tháng đầu năm 2021 Việt Nam mới nhận được gần 3,9 triệu liều vắc xin. Tháng 7 dự kiến tiếp nhận hơn 8,8 triệu liều.

Các vắc xin Covid-19 nổi tiếng ở Việt Nam sử dụng công nghệ gì?

Toàn bộ số vắc xin tiếp nhận được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ưu tiên cho các tỉnh thành phố đang có dịch; các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ; các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư; các tỉnh, thành phố có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Dựa trên nguyên tắc này, thời gian vừa qua lực lượng công an, quốc phòng và các tỉnh, thành phố có tình hình dịch phức tạp như TP.HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh đã được ưu tiên phân bổ vắc xin nhiều hơn các tỉnh, thành phố khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.