Nhiễm ký sinh trùng: Nguyên nhân, cách phòng và điều trị

28/08/2007 11:01 GMT+7

Hỏi: Tôi năm nay 27 tuổi, cao 1,57m, nặng 48 kg. Vừa rồi tôi có đi khám tổng quát với các triệu chứng ban đầu là: sáng ngủ dậy thấy đau đầu, da thịt nóng trong khi luôn cảm thấy lạnh, chân tay có cảm giác tê, ngồi lâu đứng lên thấy xây xẩm mặt mày, ăn không thấy ngon miệng nhưng lại hay đói, da dẻ xanh xao, người hay mệt mỏi, hay nổi mề đay... Kết quả khám: nhiễm ký sinh trùng (sán đầu gai, giun đũa chó).

Tôi lại đang điều trị bệnh dạ dày. Xin hỏi: Tôi uống cùng lúc thuốc để điều trị 2 loại bệnh được không hay là phải uống hết thuốc này mới bắt đầu uống thuốc kia? Nhiễm ký sinh trùng như vậy có lây cho những người trong gia đình không? Con tôi 27 tháng, ăn uống được, uống sữa cũng được nhưng cũng rất gầy (11,5 kg). Có phải cháu bị nhiễm ký sinh trùng giống tôi hay không? (Nguyễn Xuân T. - Bình Dương)

Đáp: Bệnh nhiễm ký sinh trùng nói chung và nhiễm giun sán nói riêng đều có các triệu chứng cơ bản đầu tiên là làm cho người bệnh bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, dẫn đến hoa mắt chóng mặt, suy nhược cơ thể. Ngoài ra, tùy thuộc vào cơ quan nội tạng mà ký sinh trùng sẽ gây những triệu chứng đặc thù ở cơ quan đó như ruột, phổi não, cơ...

- Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mắc bệnh này do nhiễm phải trứng, ấu trùng  giun, sán từ đất, phân; hay do tập tục ăn cá sống, tiết canh…

- Phòng ngừa bệnh: Trước hết phải điều trị triệt để cho những người mắc bệnh để giải quyết nguồn lây bệnh. Đường lây bệnh giun sán thường phải qua vật chủ trung gian, hay theo phân ra ngoài đất… Vì vậy, việc ăn chín uống sôi là rất quan trọng. Bên cạnh đó cần loại bỏ những thói quen không có lợi cho sức khỏe như ăn gỏi cá sống, rau sống, nhất là ở những vùng vẫn còn sử dụng phân tươi ủ rồi bón cho cây trồng. Cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, rửa tay trước khi ăn, dùng nước sạch…

- Điều trị: Cần tuân thủ đúng hướng dẫn và đúng phác đồ; uống thuốc đủ liều.

Trường hợp của bạn, đã xác định đúng chủng loại sán, giun thì cần uống đúng, đủ thuốc đã kê. Tuy nhiên bạn cũng có thể điều trị ổn định bệnh dạ dày rồi uống thuốc trị giun sán để tránh kích ứng dạ dày cũng như cùng một lúc phải uống quá nhiều loại thuốc.

Nhiễm ký sinh trùng, sau khi điều trị khỏi vẫn có thể bị tái nhiễm, do vậy cần có biện pháp phòng ngừa theo dõi liên tục trong 5 năm.

Muốn biết người thân và những người xung quanh có bị mắc bệnh giun sán hay không có thể làm các xét nghiệm về phân, máu, dịch tổ chức v.v... Tùy thuộc vào nơi cư trú, bạn có thể cho người thân xét nghiệm tại những trung tâm có đầy đủ điều kiện để làm, đặc biệt ở những trung tâm y tế dự phòng.

BS B.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.