'Ông tiên' hồi sinh những bệnh nhi nguy kịch

27/02/2017 20:08 GMT+7

Có những ca không ai nghĩ bệnh nhân có thể qua khỏi. Thế nhưng các bé đã được cứu sống một cách ngoạn mục, phục hồi kỳ diệu. Có một 'ông tiên' đứng chính ở bàn mổ đã tạo nên những phép màu đó.

Hầu như, các ca mổ “báo động đỏ” của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc, đều là người được xếp cầm trịch. Chọn chuyên khoa ngoại nhi (phẫu thuật trẻ em) ngay từ đầu, đã 30 năm ông làm việc duy chỉ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.
Hẹn gặp ông để phỏng vấn về công việc, cuộc sống khó hơn gấp bội lần hẹn khám bệnh cho con. Bởi lẽ, quỹ thời gian mỗi ngày của ông đều ưu tiên hàng đầu dành cho bệnh nhi, trong phòng mổ.
Những ca mổ kỳ diệu
Sau 19 tháng phẫu thuật, cậu bé bị dao đâm xuyên não ngày nào nay đã biết đi, biết nói, phát triển bình thường như các bạn đồng trang lứa. Còn nhớ, ngày nhập viện, em bé với con dao cắm thẳng vào sọ, ai thấy cũng rợn người, phập phồng lo sợ em không thoát “cửa tử”.
Sau 10 năm, lần đầu tiên cô bé “mai rùa”, được gỡ bỏ khối bướu đã mang trên lưng từ khi vừa mới sinh. Sau ca phẫu thuật, em đã có thể diện áo bình thường như các bạn, đi học lại và không còn bị gọi là “con đen”, không còn bị trêu chọc nữa.
Sau hơn hai tháng phẫu thuật, cậu bé 5 tuổi té từ lầu hai xuống, bị hàng rào sắt đâm xuyên tim phổi, đã khỏe mạnh. Em chơi, học, ăn uống tốt, lanh lợi, hoạt bát như… chưa hề có vụ tai nạn. Không ai nghĩ, em đã từng nguy kịch trên bàn cấp cứu.
Niềm hạnh phúc của mẹ con bé Trần Thị Ngọc Thắm (10 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng) khi bé có thể diện áo đầm như các bạn, sau khi được gỡ bỏ "mai rùa" thành công Hoàng Vân
Khi đó, một cuộc điện thoại gọi đến, đang trên xe taxi cùng gia đình đi công việc, bác sĩ Hiếu đã đổi lộ trình để không đầy 10 phút sau có mặt tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM). Nhanh chóng hội chẩn chỉ 1 phút 30 giây, ông mổ mở ngực bệnh nhi, máu phun ra. Bằng một linh tính và chẩn đoán kỳ diệu, bác sĩ đưa ngón tay vào bịt ngay lỗ thủng ở tim bệnh nhân. Thế là ông tiếp tục tiến hành ca phẫu thuật khâu lỗ thủng tim, phổi, cứu sống cậu bé.
Một ca bệnh nhi (9 tuổi) bị tai nạn giao thông chấn thương gan, được bệnh viện ở Đồng Nai chuyển về Bệnh viện Nhi đồng 1. Bệnh nhi bị đứt mạch máu lớn ở gan. Khi mở ổ bụng ra, máu chảy ra ào ào. Tĩnh mạch chủ lớn rách một đường dài. Bệnh nhân phải truyền máu gần cả chục lít, không cầm được máu nữa. Mạch máu rách toác, thành mạch mỏng te, khâu là rách, khâu là rách. Đồng thời, trên bàn mổ bệnh nhân còn phải nhồi tim.
“Trong tình trạng đó, mình nghĩ bệnh nhân khó qua khỏi nhưng vẫn cố gắng làm. Khi khâu được mạch máu rồi thì máu chỉ còn rỉ rỉ. Sau đó, cầm máu được cho bệnh nhân. Thế là bệnh nhân dần tiến triển và… tự điều chỉnh luôn ngay khi đang mổ. Đó là một sự kỳ diệu!”, bác sĩ Hiếu kể lại một ca nguy kịch.
Còn nước còn tát, hy vọng 1% cũng cố làm
Nếu như tất cả đó là những câu chuyện cổ tích thì bác sĩ Hiếu chính là “ông tiên” đã tạo nên phép màu hồi sinh nhiều bệnh nhi nguy kịch. Còn nhớ, khi ca mổ cho em bé bị dao đâm xuyên não thành công, nhiều phóng viên hỏi đến việc đề xuất khen thưởng, ông chỉ nói đơn giản: “Đó là nhiệm vụ, công việc của mình phải làm. Cứu được bệnh nhân là mình đã làm tròn trách nhiệm nghề nghiệp, không phải khen thưởng”.
Bác sĩ Hiếu thăm khám cho bệnh nhi sau ca mổ Nguyên Mi
 
“Tôi quan niệm rất đơn giản. Cuộc sống là vốn quý nhất của mỗi người. Mình là bác sĩ điều trị cho bệnh nhân, mình phải quyết định hợp lý, tốt nhất. Còn nước còn tát. Dù hy vọng không lớn lắm, mỏng manh, bệnh nhân có 1% cơ hội sống là tôi cũng làm. Mà đúng, điều diệu kỳ lại rơi vào 1% đó”, bác sĩ Hiếu chia sẻ.
Có lẽ, cũng chính vì thế mà nhiều ca bệnh ông cứu sống rất hy hữu. Trong đường tơ kẽ tóc, bệnh nhân cuối cùng đã được cứu, phục hồi và sống tốt.
"Quà cáp tôi nhận nhiều lắm!"
Mỗi ngày, ông mổ đến 4-5 ca là bình thường. Xin hỏi ông một câu “nhạy cảm”, đó là mổ cho bệnh nhân nhiều như thế, chuyện quà cáp bệnh nhân biếu tặng bác sĩ thế nào? Ông đón nhận vấn đề rất vui vẻ: “Quà cáp tôi nhận nhiều lắm!”
“Rất vui, khi nhiều lúc đi ở ngoài, lại có phụ huynh dắt bé lại bảo: 'Chào bác sĩ đi con!', hay 'Cám ơn bác sĩ. Hồi đó bác sĩ mổ cho con tui'. Có những 'bé' khi chào tôi đã cao lớn hơn nhiều, qua tuổi nhi đồng rồi”, bác sĩ Hiếu vui vẻ tâm sự đó là món quà lớn của 30 năm làm nghề.
Vừa rồi, có một thanh niên 19 tuổi đến Bệnh viện Nhi đồng 1, nhất quyết muốn gặp bác sĩ Hiếu. “Thằng bé nói sắp đi học nước ngoài nên đến đây chào bác sĩ, cám ơn bác sĩ đã 'mổ cho con hồi nhỏ', bác sĩ Hiếu kể. Đó là bệnh nhi ông đã mổ cách đây hơn 10 năm. Đồng thời, bác sĩ cũng nhận được một thùng bưởi da xanh của ba mẹ và cả bà ngoại của 'cậu bé' 19 tuổi này lặn lội từ Vĩnh Long chở lên gửi biếu.
Em bé bị dao đâm xuyên não lúc 11 ngày tuổi Dương Minh Phát, đã biết đi, biết nói và lanh lợi Nguyên Mi
Lâu lâu lại có chục trứng, lúc thì 20-30 kg gạo, khi là nước mắm, trái cây,… là những thức hay được bệnh nhân gửi tại cổng bảo vệ nhờ chuyển đến bác sĩ.
Ông vui vẻ kể: “Những ngày trước tết, sau khi mổ cho em bé nguy kịch vì 'xốc muỗng', một thùng xốp to cũng được gửi ở cổng bảo vệ bệnh viện cho tôi. Ba của em bé nói ở nhà đánh bắt được. Thì ra, đó là nguyên một con cá bốp được đóng thùng đá cẩn thận”.
“Tôi không quan trọng chuyện quà cáp. Người ta trân trọng việc mình làm. Mình biết trân trọng tấm lòng của người tặng. Khi mình nhận, người ta cũng thấy nhẹ lòng. Chỉ có những người lợi dụng hay bác sĩ 'đặt vấn đề' với người bệnh thì mới là tiêu cực”, bác sĩ Hiếu nhìn nhận.
Thế nên, với ông, nhiều người nhà bệnh nhân, ở quê, trồng cây gì, nuôi con gì thì họ lại gửi lên cho mình cái đó. Ai cho gì nhận nấy. “Bởi lẽ, đó là tấm lòng thật sự rất quý! Mình cũng hạnh phúc khi việc mình làm tốt, được người ta nhớ hoài”, bác sĩ Hiếu bộc bạnh.
Tiếp xúc với ông qua nhiều ca bệnh và được trò chuyện đời thường, có thể cảm nhận được, ông là một trong những vị bác sĩ rất giản dị, tài cao, tâm sáng và vô cùng yêu trẻ con!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.