Say nắng gây co giật

29/06/2012 10:23 GMT+7

Chiều 27-6, em N.Đ.N., 8 tuổi, nhà ở P.6, TP Mỹ Tho, Tiền Giang, vào bệnh viện vì co giật toàn thân. Tại bệnh viện bác sĩ khám thấy em co quắp chân tay, run giật từng cơn, da khô nóng, sốt cao trên 40OC.

Bác sĩ nhanh chóng cho em cởi hết quần áo, lau nước ấm liên tục, cho thuốc hạ sốt và truyền dịch. Sau nửa giờ em phục hồi dần. Mẹ N. kể em chơi đá banh ngoài trời suốt cả buổi trưa, kêu hoài không vô, đột nhiên em co giật nên mới đưa đi cấp cứu.

Bác sĩ cho biết trẻ bị say nắng nặng, nếu không cứu chữa kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân là khi trời nắng gắt, trẻ chơi ở ngoài trời lâu sẽ làm nhiệt độ cơ thể tăng. Tăng thân nhiệt quá mức gây rối loạn chức năng của một số cơ quan trong cơ thể, nhất là tế bào thần kinh kết hợp với tình trạng rối loạn nước điện giải. Triệu chứng say nắng xuất hiện đột ngột, khởi đầu là nạn nhân thấy mệt mỏi, da trở nên khô, môi nhợt nhạt, mặt nóng ran, hơi thở yếu, mắt dại đi, mệt lử và buồn nôn, thân nhiệt tăng cao... Đặc biệt, nếu nặng trẻ có thể co thắt chân tay, co giật và hôn mê.

Khi trẻ xuất hiện dấu hiệu say nắng cần phải cấp cứu ngay, nhanh chóng đưa trẻ vào nơi có bóng mát và thoáng, cởi hết quần áo (trẻ nhỏ) hoặc cởi bớt quần áo (trẻ lớn), lau mát cho trẻ, mở quạt máy, cho trẻ uống nước (nếu trẻ còn tỉnh), uống chậm, từng muỗng hoặc từng ngụm.

Đề phòng say nắng, người lớn cần cho trẻ đội nón rộng vành khi ra đường, thỉnh thoảng dừng xe lại nghỉ ngơi, mặc quần áo thoáng, sáng màu, dễ hút mồ hôi, rửa mặt, cho trẻ uống nước rồi mới đi tiếp. Đừng để trẻ tắm biển, chạy xe, đá banh ngoài nắng liên tục cả buổi. Nếu có thì cho trẻ nghỉ ngơi xen kẽ trong bóng mát, uống nhiều nước...

Theo BS Nguyễn Thành Úc / Tuổi Trẻ

 

>> Nguy kịch vì say nắng
>> Uống phòng say nắng
>> Xử trí khi say nắng, say nóng
>> Miệng của mẹ có giặt đồ đâu!
>> Co giật - nguyên nhân và cách điều trị
>> Thiếu hụt calcium có liên quan đến chứng co giật ở phụ nữ mang thai?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.