Sống khỏe giữa Covid-19: Tăng cường lưu thông không khí để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm

Ngọc Minh Khuê
Ngọc Minh Khuê
17/08/2021 04:22 GMT+7

Chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định Covid-19 lây lan qua hệ thống thông gió, như lo lắng gần đây của nhiều người dân sống tại các chung cư.

Tuy nhiên, trong hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ có khuyến cáo các biện pháp cải tạo khả năng thông gió, giúp giảm nồng độ vi rút trong không khí.
Việc nâng cấp hoặc cải tạo hệ thống thông gió có thể làm tăng lưu lượng không khí sạch từ bên ngoài vào và làm loãng các thành phần ô nhiễm (nếu có). Tuy nhiên, CDC Mỹ lưu ý các biện pháp can thiệp hệ thống thông gió sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ. Việc áp dụng các công cụ, biện pháp để nâng cao khả năng hoạt động của hệ thống thông gió còn phụ thuộc vào kết cấu tòa nhà, mức độ sử dụng và các yếu tố như thời tiết, môi trường.

Covid-19 sáng 17.6: Cả nước tổng cộng 283.696 ca nhiễm, 106.977 ca khỏi | TP.HCM có thêm vắc xin

CDC Mỹ đã gợi ý các biện pháp giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong tòa nhà như sau:
1. Tăng cường trao đổi không khí: Tăng cường mở cửa sổ và cửa ra vào khi điều kiện thời tiết cho phép, nhằm tăng lưu lượng trao đổi không khí ngoài trời. Cửa sổ dù chỉ mở hé cũng có thể đưa không khí có ích ngoài trời vào.
Tuy nhiên, cần thận trọng áp dụng việc tăng mức thông gió từ bên ngoài vào nếu xung quanh tòa nhà là khu vực bị ô nhiễm. Không mở cửa sổ và cửa ra vào nếu có nguy cơ ảnh hưởng đến mức độ an toàn và sức khỏe của người bên trong (chẳng hạn nguy cơ té ngã hoặc làm tái phát các bệnh về đường hô hấp).
2. Sử dụng quạt khi mở cửa sổ: Có thể sử dụng quạt để làm tăng hiệu quả của việc mở cửa sổ, tăng cường lưu thông không khí. Việc tăng lưu thông không khí giúp phân bố không khí sạch được cấp và làm loãng nồng độ hạt vi rút trong phòng, cũng làm giảm khả năng bọt khí ứ đọng ở nơi nồng độ vi rút có thể bị dồn lại. Tuy nhiên, hãy cẩn trọng để giảm thiểu khả năng tạo ra không khí thổi trực tiếp từ người này sang người khác, tránh bật quạt tốc độ cao.
3. Đảm bảo hệ thống thông gió hoạt động bình thường: Hệ thống thông gió cần được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên và cung cấp chất lượng không khí trong nhà ở mức chấp nhận được tương ứng với số lượng người hiện diện trong mỗi khu vực.
4. Cải thiện hệ thống lọc không khí trung tâm: Hệ thống lọc không khí trung tâm của cả tòa nhà cần được tăng công suất. Các thiết bị cần được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo hoạt động hiệu quả.
5. Thông gió ở nhà vệ sinh, nhà bếp: Đảm bảo quạt thông gió trong phòng vệ sinh, hệ thống hút mùi ở nhà bếp hoạt động bất cứ khi nào có người ở đó. Đối với tòa nhà, việc vận hành ngay cả khi không có người sử dụng cũng sẽ làm tăng thông gió chung cho cả tòa nhà.

Nguy cơ nhiễm Covid-19 qua ống thông gió chung cư và cách phòng tránh | BÁC SĨ ƠI số 2

6. Chú ý nơi có nguy cơ cao: Sử dụng các hệ thống quạt hiệu suất cao có chức năng lọc hạt trong không khí để tăng cường khả năng làm sạch không khí (đặc biệt là ở những khu vực có nguy cơ cao như phòng y tế hoặc các khu vực có người nguy cơ cao mắc Covid-19). Có thể bổ sung sử dụng chiếu xạ diệt khuẩn bằng tia cực tím để làm bất hoạt SARS-CoV-2.
Theo hướng dẫn của Cơ quan y tế hạt Santa Clara, bang California (Mỹ), các hướng dẫn trên có thể được áp dụng cho doanh nghiệp, tòa nhà văn phòng, trường học, nhà hàng, cơ sở y tế và các công trình không thuộc lĩnh vực y tế có sử dụng hệ thống thông gió.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.