Đầu căng, dạ dày lãnh đủ !

05/06/2018 08:00 GMT+7

Bạn từng ôm bụng đau quặn trước cuộc phỏng vấn xin việc? Chứng viêm dạ dày của bạn "lên tiếng" dữ dội khi công việc quá căng thẳng? Tuy khá "xa xôi cách trở", hệ tiêu hóa và cảm xúc gắn chặt với nhau.

       
Tại sao cảm xúc lại "mắc mứu" đến thể chất của chúng ta? Không chỉ có hệ tiêu hóa là tấm gương phản chiếu của cảm xúc. Giải thích trên chuyên trang sức khỏe WebMD, tiến sĩ Tracy Dennis (Đại học TP.New York - Mỹ) nói: "Cuộc đời chúng ta tràn ngập xúc cảm, từ giận dữ đến xấu hổ, từ sợ hãi đến vui sướng. Mỗi xúc cảm đều gây ra những phản ứng phức tạp của cơ thể. Chẳng hạn khi chúng ta giận dữ, lập tức nhịp tim tăng nhanh, hormone adrenaline tăng mạnh, huyết áp cũng lên cao, mặt mũi chúng ta đỏ lên phừng phừng". Những thay đổi sinh lý, thay đổi ở hệ thần kinh nội tiết này đều có liên quan đến sự tác động của cảm xúc lên toàn bộ cơ thể, bao gồm dạ dày nói riêng và hệ tiêu hóa nói chung.
Sinh viên ôm bụng trước khi thi
Bộ máy tiêu hóa của chúng ta được đặt dưới sự chỉ huy của hệ thần kinh ruột, vốn bao gồm hàng trăm triệu tế bào thần kinh phức tạp duy trì quan hệ chặt chẽ với thần kinh trung ương. Giáo sư y khoa Kenneth Koch của Đại học Wake Forrest (Mỹ) cho biết khi stress làm kích hoạt cơ chế bỏ chạy hay chống trả, hệ tiêu hóa của chúng ta có thể bị "bế quan tỏa cảng" do thần kinh trung ương quyết định chặn dòng lưu thông máu, từ đó có thể tác động đến sự co bóp của các cơ quan tiêu hóa, giảm quá trình tiết các loại dịch vị cần thiết cho quá trình tiêu hóa thức ăn.
Các triệu chứng ở hệ tiêu hóa trước phản ứng hoảng loạn, lo lắng, căng thẳng, sợ hãi... của cơ thể có thể làm chúng ta đau dạ dày dữ dội, buồn nôn hoặc tiêu chảy. Chính vì thế mà cảnh các học sinh, sinh viên ôm bụng chạy vào nhà vệ sinh ngay trước kỳ thi quan trọng không phải là hiếm. Nếu tình trạng stress kéo dài, bạn tăng nguy cơ cao bị cao huyết áp, bệnh tim mạch và đau dạ dày. Stress kéo dài còn có thể làm trầm trọng thêm các viêm nhiễm, các khối u trong ruột và dạ dày.
Thư giãn vì yêu dạ dày
Giảm stress là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của con người trong thời đại bận rộn hiện nay. Nhưng một khi ý thức rõ stress hại đến mức nào, bạn sẽ phải đặt ưu tiên giải quyết nó. Thiền với việc luyện tập hít thở sâu, tập trung vào hơi thở để xua tan mọi lo âu toan tính là một trong những phương pháp đang được ưa chuộng. Nghỉ ngơi, thư giãn, ngủ đủ giấc không bao giờ là phung phí thời gian, bởi cơ thể bạn cũng như một bộ máy phải sạc đủ pin mới chạy tốt. Ngoài ra, vận động đầy đủ luôn là một thói quen hữu ích để xả stress, bảo vệ cả cơ thể bạn, bao gồm dạ dày. Nếu bạn quá bận rộn, hãy tận dụng mọi cơ hội để đi bộ thay cho thang máy, hãy dùng xe đạp để đi làm, hãy đứng lên mỗi 30 phút ngồi trước máy tính mà vận động 2 phút, hãy “thủ sẵn” một sợi dây nhảy trong túi xách để “giải lao” những khi có thể…
Thêm một điều rất quan trọng để xua tan căng thẳng: chế độ ăn uống. Bia rượu có thể khiến người ta quên đời trong chốc lát nhưng làm trầm trọng thêm tình trạng stress lúc tỉnh cơn say. Còn sau những lúc ăn uống vô độ thường là cảm giác tiếc nuối, lo lắng, sợ tăng cân - chắc chắn cũng làm xấu thêm tình hình, càng làm hại thêm dạ dày của bạn.
(Còn tiếp)
Yumangel - Thuốc dạ dày chữ Y hân hạnh hỗ trợ thực hiện chuyên mục này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.