Sự sống kỳ diệu của chàng sinh viên nghèo sau nhiều lần đối diện tử thần

23/11/2016 10:22 GMT+7

Liêm dùng xe máy chở mẹ đến nhà người quen vay mượn tiền để trang trải tiền học. Trên đường đi đến đoạn cầu Câu Nhi 2, xã Hải Chánh, thì Liêm tự gây tai nạn rồi hai mẹ con bất tỉnh.

Khoảng giữa tháng 5, Phạm Thanh Liêm, sinh viên năm cuối ngành công nghệ thực hành cơ khí, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế từ TP.Huế về quê ở làng Câu Nhi, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị để lo tiền làm đồ án và các chi phí cho kỳ tốt nghiệp.

Bố Liêm mất đã nhiều năm, gia cảnh khó khăn, thấy con về xin tiền học bà Hoàng Thị Chính (thương binh) ngậm ngùi tính chuyện vay mượn… Bà nói Liêm dùng xe máy chở đến nhà người quen, nhưng trên đường đi đến đoạn cầu Câu Nhi 2, xã Hải Chánh, thì Liêm tự gây tai nạn rồi hai mẹ con bất tỉnh. 

BS Hoàng Thị Lan Hương người từng chứng kiến Liêm vỡ mạch máu não nặng và rơi vào nguy kịch Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Bà Chính và Liêm được đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp cứu. Bị gãy xương vai, gãy xương sườn, gãy cột sống... bà Chính được chuyển vào Bệnh viện T.Ư Huế điều trị. Còn Liêm, do chấn thương sọ não nặng một số người khuyên đưa anh về nhà lo hậu sự nhưng người cậu của Liêm thấy chẳng đành bèn đưa anh vào Bệnh viện T.Ư Huế với niềm tin mong manh “còn nước còn tát”.

Con nằm tầng 6 (hồi sức cấp cứu); mẹ nằm tầng 5. Thương tình bà con, họ hàng làng xóm thực hiện một cuộc vận động quy mô để giúp mẹ con Liêm có tiền chữa trị. Sau 27 ngày điều trị Liêm dần tỉnh. Mọi người rớt nước mắt mừng Liêm trở về từ cõi chết. Liêm được chuyển về khoa Ngoại thần kinh, rồi Răng hàm mặt của bệnh viện điều trị thêm, hơn 1 tháng sau thì ra viện. Riêng chi phí điều trị đợt này mẹ con Liêm phải chi 280 triệu đồng.

TS.BS Tôn Thất Trí Dũng, người đã chữa trị và vận động các mạnh thường quân giúp Liêm qua cảnh ngặt nghèo Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Về quê một thời gian ngắn thì Liêm bị chảy máu mũi. Do mẹ bị trọng thương nên anh một mình vào Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế khám, sau đó phải nhập viện điều trị. Sau vài ngày bệnh viện này quyết định chuyển Liêm lên Bệnh viện T.Ư Huế. Tại đây Liêm được chẩn đoán bị bệnh “Dò trực tiếp động mạch cánh xoang hang trái, có túi giả phình lớn bên trong xoang hang và xoang bướm sau chấn thương”. 

Theo BS chuyên khoa 2 Hoàng Thị Lan Hương, Trưởng khoa Nội tiết thần kinh, Bệnh viện T.Ư Huế - nơi Liêm được cứu sống, thì bệnh này cần phải đặt Draft Stent - một dụng cụ can thiệp mạch máu não. Thế nhưng dụng cụ này phải đặt tận Singapore chi phí lên cả 100 triệu đồng, vượt quá khả năng mẹ con Liêm.

“Chúng tôi đang vận động các nhà hảo tâm giúp em ấy thì sáng 24.10, lúc Liêm ăn sáng bỗng túi giả phình đột ngột vỡ. Biến chứng đã xảy ra, máu từ mũi chảy ra nhiều, bệnh nhân yếu dần, giãn đồng tử. Hơn 20 năm chữa bệnh tôi chưa bao giờ chứng kiến bệnh nhân nào bị xuất huyết nặng như thế. Bệnh nhân phải tiếp máu đến 3,5 lít. Lúc ấy không ít người nghĩ điều xấu nhất đã xảy ra. Nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực, huy động tổng lực cứu sống bệnh nhân”, BS Hương kể. Nỗ lực của y bác sĩ đã cứu Liêm qua cơn nguy kịch.

Chàng sinh viên nghèo 2 lần bị tử thần từ chối Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Một cuộc vận động từ thiện, giúp đỡ tài chính cho Liêm đã âm thầm diễn ra sau đó bởi một số y, bác sĩ của khoa Nội thần kinh để giúp chàng sinh viên nghèo. Mẹ của Liêm sau nhiều tháng chữa trị cũng đã qua cơn nguy kịch nhưng phải băng bó thân, nẹp vít cột sống… Từ người bệnh, bà trở thành người chăm bệnh và ở bên cạnh chăm sóc Liêm.

“Cách nay không lâu có người tới đưa cho mẹ con tui 35 triệu đồng. Họ nói hay tin gia cảnh mẹ con tui từ các bác sĩ nên họ đến giúp. Tui cảm động và bất ngờ quá… Mẹ con tui biết ơn các y bác sĩ, các nhà hảo tâm nhiều lắm”, bà Chính bùi ngùi kể.

Nhưng câu chuyện kỳ diệu của Liêm chưa dừng lại. Hai ngày sau vỡ mạch máu não trầm trọng, các bác sĩ đã quyết định dùng biện pháp “tắc động mạch cánh trong bên trái” để cứu Liêm trước nguy cơ tử vong rất cao.

TS.BS Tôn Thất Trí Dũng, Phó trưởng khoa Nội tiết thần kinh, người điều trị cho Liêm, giải thích biện pháp này tạm hiểu là ngăn không cho máu lên khu vực mạch máu não bị vỡ dẫn đến xuất huyết. “Biện pháp này thường làm bệnh nhân bị liệt nửa người, do máu không tuần hoàn đầy đủ. Nhưng khi chúng tôi áp dụng, điều kỳ diệu là máu bên này não sang nuôi bên kia, từ phía sau ra nuôi phía trước nên bệnh nhân không những sống mà còn không bị liệt. Hiện em ấy đã khỏe, bình phục tốt", BS Dũng chia sẻ.

Được biết, sức khỏe của Liêm đã ổn định và vừa được xuất viện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.