Suy nhược vì rối loạn giấc ngủ

08/08/2005 15:11 GMT+7

Mỗi ngày, Khoa Giấc ngủ thuộc Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Medic TP.HCM khám và điều trị cho hơn 100 trường hợp bị mất ngủ hoặc có những rối loạn liên quan đến giấc ngủ. Rối loạn giấc ngủ là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các vấn đề về sức khỏe như tim mạch, đặc biệt là sức khỏe tâm thần.

Tình trạng phổ biến ở lứa tuổi trung niên

Cách đây 2 năm, chị Nguyễn Lệ H., 34 tuổi, giáo viên ở quận 1 - TP.HCM được chuyển công tác sang một trường điểm. Gần đây chị thường xuyên có cảm giác buồn ngủ trong giờ làm việc và mất tập trung nhưng vào ban đêm lại không thể ngủ được. Ngày 29/7, chị H. đến khám tại Khoa Giấc ngủ Trung tâm Medic để được điều trị, khi đó tình trạng mất ngủ đã kéo dài gần một năm.

Bác sĩ Đặng Văn Mon, Trưởng Khoa Giấc ngủ Trung tâm Medic, cho biết chị H. là trường hợp mất ngủ điển hình với những biểu hiện đặc trưng như khó ngủ, chán ăn, hay quên, lo lắng... Đó là chứng mất ngủ do áp lực công việc, ban đầu chỉ là khó ngủ do chưa thích nghi khi thay đổi môi trường làm việc hoặc do sức ép công việc tác động đến tâm lý. Dần dần, nếu chứng khó ngủ không được điều trị hoặc người bệnh lo lắng quá mức thì tình trạng nặng hơn, dẫn đến mất ngủ kéo dài. Sau đó sẽ xuất hiện kèm theo những triệu chứng như đau đầu, cáu gắt, suy nhược và trầm cảm.

Tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, hơn 80% bệnh nhân đến khám trầm cảm đều có triệu chứng mất ngủ. Bác sĩ Lâm Xuân Điền, Giám đốc bệnh viện, cũng cho rằng chính áp lực công việc và nhịp sống thời công nghiệp, lối sống dịch vụ của cư dân thành thị là những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Xu thế phát triển đã làm mỗi người khó thích ứng kịp và áp lực về mức sống cũng góp phần không nhỏ làm rối loạn giấc ngủ, tình trạng phổ biến ở người trung niên. Ghi nhận tại Khoa Giấc ngủ Trung tâm Medic cho thấy bệnh nhân tập trung ở độ tuổi từ 40 - 60 tuổi, nữ nhiều gấp 3 nam giới.

Hơn 80 loại bệnh lý gây rối loạn giấc ngủ

Ngày 3/8, chị L.M.X, 48 tuổi, đi khám vì thường xuyên giật mình khi ngủ và sụt cân trong thời gian ngắn. Tình trạng sụt cân đã làm chị hoang mang vì nghĩ mình mắc bệnh nan y. Chị cho biết cứ đêm đến là lại lo lắng vì không biết đêm nay mình có ngủ được hay không, nhưng càng lo càng khó ngủ. Sau 7 tháng, chị quyết định đến bác sĩ và được chẩn đoán rối loạn mất ngủ do hội chứng tiền mãn kinh.

Tình trạng mất ngủ rất đa dạng, từ triệu chứng thấp như khó ngủ cho đến chứng ngạt thở khi ngủ - một hiện tượng rối loạn hô hấp luôn đe dọa đến tính mạng người bệnh. Bác sĩ Lâm Xuân Điền cho biết mất ngủ là triệu chứng của hơn 80 loại bệnh lý. Ngoài nguyên nhân do stress hoặc lo lắng, rối loạn giấc ngủ còn do nhức mỏi, đau nửa đầu, nghiến răng khi ngủ, ngủ ngáy, do ảnh hưởng nội tiết tố ở thai phụ và phụ nữ tiền mãn kinh, tâm thần phân liệt... Không phải bệnh nhân mất ngủ nào cũng được bác sĩ cho dùng thuốc hoặc điều trị bằng tâm lý trị liệu mà việc điều trị tùy thuộc từng nguyên nhân cụ thể. Nếu mất ngủ do nghiến răng, do ngáy hoặc do xáo trộn nội tiết tố... bệnh nhân sẽ được điều trị những bệnh này, khi đó chứng mất ngủ tự nhiên sẽ khỏi.

1. Khi khó ngủ nếu nhìn đồng hồ càng làm tình trạng mất ngủ nặng hơn. Đúng: Khi mất ngủ, người bệnh có tâm lý lo lắng vì thời gian một đêm đã gần hết, vì vậy càng nhìn đồng hồ lại càng bồn chồn và khó ngủ. Lúc này nên thức dậy thư giãn, đọc sách báo...

2. Người lớn tuổi ngủ ít hơn người trẻ, chỉ từ 4 - 5 tiếng mỗi ngày. Sai: Mỗi người cần ngủ 7 - 8 tiếng/ngày, nếu ngủ ít tối thiểu phải trên 5 tiếng, kể cả người già hay người trẻ. Giấc ngủ ban đêm rất quan trọng giúp phục hồi sức khỏe và bảo vệ năng lượng hoạt động của hệ thần kinh, từ đó bảo đảm những hoạt động của mỗi người một cách bình thường và hiệu quả.

3. Thông thường tình trạng mất ngủ sẽ tự khỏi trong vòng một tuần. Đúng: Nếu bệnh nhân biết cách thư giãn, nghỉ ngơi, sắp xếp lại công việc và điều chỉnh giờ ngủ hợp lý sẽ khắc phục được chứng mất ngủ do stress hoặc căng thẳng khi bệnh chưa chuyển sang giai đoạn nặng. Nếu rối loạn giấc ngủ xảy ra ở người phải thay đổi môi trường sống thường chỉ kéo dài vài ngày và không cần điều trị.

4. Ngủ mơ, ngủ giật mình hoặc chập chờn, bị bóng đè cũng là những dạng rối loạn giấc ngủ. Đúng: Tất cả những biểu hiện làm gián đoạn giấc ngủ sau đó không thể tiếp tục được hoặc gây cảm giác ngủ không ngon, không sâu, đôi khi mệt mỏi đều được xem là rối loạn giấc ngủ. Nếu không được kiểm soát, tình trạng sẽ diễn tiến ngày càng nặng.

5. Ngủ bù ban ngày giúp cơ thể không mệt mỏi và khắc phục được chứng mất ngủ. Sai: Do những người mất ngủ không kiểm soát được giấc ngủ của mình nên thường có xu hướng cố gắng bù lại số giờ đã thức bằng cách ngủ vào ban ngày. Điều này làm rối loạn đồng hồ sinh học của cơ thể và làm cho bệnh nhân càng khó ngủ hơn trong buổi tiếp theo.

6. Dùng thuốc an thần giúp người mất ngủ lấy lại giấc ngủ ngon. Sai: Việc tự ý dùng thuốc ngủ hoặc thuốc an thần dẫn đến tình trạng lệ thuộc thuốc. Khi đó điều trị rất khó khăn, lâu dài và tốn kém. Bất kỳ ai bị mất ngủ trong vòng hơn một tuần không nên dùng thuốc mà nên đến bác sĩ để tìm kiếm những giải pháp hợp lý và hiệu quả nhằm tránh những hậu quả nghiêm trọng sau này.

Nhất Phương
(Báo Người Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.