Suýt thiệt mạng do miếng thịt bò mắc kẹt trong thực quản

26/07/2019 12:43 GMT+7

Ba ngày không ăn uống do ổ áp xe trong thực quản khiến bệnh nhân nữ 24 tuổi phải nhập viện do yếu dần, kèm tình trạng đau tức vùng ngực.

Bệnh nhân nữ Đ.T.N (ở Hải Phòng) được chyển đến Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (Hà Nội) hôm 25.7 do bị khó nuốt, nuốt vướng trong tình trạng ngày càng tăng, đồng thời có cảm giác đau tức ngực khi nuốt. 
Theo lời kể của gia đình, tối 22.7,trong bữa tối, sau khi ăn thịt bò chị N. có biểu hiện hóc, nghẹn và sau đó thì không ăn uống được. Sau 3 ngày “chung sống” với miếng thịt mắc trong thực quản, chị N. gần như không ăn uống được, toàn thân có biểu hiện nhiễm khuẩn và suy kiệt dần.
Khi được chuyển đến Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, bệnh nhân đã được bác sĩ khoa Tai – Mũi – Họng của bệnh viện gây mê soi thực quản và lấy ra hai dị vật là mẩu thịt bò kích thước 2x3 cm và một miếng gân bò dài khoảng 5 cm.
“Do miếng thịt bò kẹt ở đoạn 1/3 trên thực quản đã bị hoại tử một phần nên gây biến chứng áp xe ngay cạnh miệng thực quản khiến bệnh nhân không thể ăn uống được và sốt”, các bác sĩ cho biết.
Sau khi được gắp miếng thịt bò và gân bỏ ra ngoài, bệnh nhân được đặt sonde dạ dày nuôi dưỡng. Hiện đã không sốt, hết tức ngực, hết nuốt vướng, diễn biến sức khỏe ổn định. Bệnh nhân được dùng thuốc kháng sinh, chống viêm, cầm máu, nâng đỡ thể trạng.
Bác sĩ Nguyễn Việt Hưng, công tác tại Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết: “Tuy không gây chảy máu, hay gây thủng như các dị vật sắc nhọn nhưng miếng thịt vướng ở thực quản gây nhiễm khuẩn nhanh có nguy cơ cao gây viêm tấy cạnh thực quản cổ, gây chèn ép nhiều các cơ quan quan trọng nằm cạnh như khí - phế quản, các mạch máu lớn khiến bệnh nhân khó thở, rối loạn thân nhiệt, rối loạn nhịp tim, huyết áp.
“Nguy hiểm nhất là khi hình thành ổ áp xe quá lớn sẽ gây vỡ, nứt thực quản, làm trào dịch mủ và hơi vào trung thất (là một khoang kín trong lồng ngực giữa hai lá phổi) gây viêm nhiễm lan toả toàn bộ trung thất và có thể gây tử vong do sốc nhiễm khuẩn với tỷ lệ khá cao nếu phát hiện và xử lý trễ”, bác sĩ Hưng lưu ý
Bác sĩ Hưng cũng khuyên mỗi người cần thận trọng khi ăn uống và nhai kỹ, nuốt chậm. Khi lỡ nuốt sặc hay hít sặc, nên nhanh chóng đến bệnh viện để được điều trị. Bệnh nhân không nên chữa mẹo vì quá trình trì hoãn có thể dẫn đến các diễn biến xấu, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.