Thai to, nên mừng hay lo?

Lương Ngọc
Lương Ngọc
14/04/2020 04:07 GMT+7

Gần đây có nhiều trường hợp bé chào đời với cân nặng lớn hơn rất nhiều so với mức bình thường. Trẻ sơ sinh “quá khổ” có nguy cơ đối mặt với những bệnh lý cần phải theo dõi.

Theo TS-BS Nguyễn Hữu Trung, Trưởng phòng khám phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trẻ sinh ra với cân nặng “quá khổ” (lớn hơn 4 kg) thường có tình trạng sức khỏe không tốt và dễ bị bệnh hơn so với những trẻ có cân nặng bình thường (2,5 - 4 kg). Trẻ quá to có nguy cơ chấn thương trong lúc sinh nhiều hơn những trẻ khác như gãy xương đòn, gãy xương cánh tay, liệt đám rối thần kinh cánh tay…
Bên cạnh đó, những trẻ quá to lúc sinh thường có hệ hô hấp kém, có khả năng phải sử dụng những biện pháp hỗ trợ hô hấp nhiều hơn; nguy cơ hạ đường huyết do lượng đường cung cấp qua nhau thai bị giảm đột ngột sau sinh; và nhu cầu tiêu thụ đường để sản xuất năng lượng của những trẻ này cao hơn bình thường. Đặc biệt, với những trẻ có cân nặng quá to (trên 5 kg), nguy cơ tử vong cao gấp 2 lần so với những trẻ có cân nặng bình thường.
Không chỉ ảnh hưởng đến trẻ, thai phụ khi sinh con to có nguy cơ chấn thương đường sinh dục cao hơn, rách tầng sinh môn, âm đạo, băng huyết sau sinh do tử cung kém co hồi. Và đặc biệt, trong những tình huống đó, thai phụ có nguy cơ phải sinh mổ rất cao.
Cũng theo bác sĩ Trung, nguyên nhân thai to có thể do ảnh hưởng bởi các yếu tố di truyền hoặc các yếu tố về mặt môi trường. Nhiều nghiên cứu dịch tễ cho thấy những bà mẹ đã từng sinh con to (trên 4 kg) có nhiều khả năng sinh con to ở những lần sinh sau. Trẻ sơ sinh quá to thường được sinh ra từ các bà mẹ bị béo phì, mắc bệnh tiểu đường, hoặc những người có tình trạng tăng cân quá mức trong thai kỳ.
Bình thường thai phụ tăng cân trung bình 8 - 12 kg trong suốt thai kỳ. Một số thai phụ tăng cân quá nhiều, hơn 16 kg trong lúc mang thai, khả năng cao sinh con quá to. Thai phụ được cung cấp quá nhiều chất dinh dưỡng cũng góp phần làm cho thai nhi quá to lúc sinh ra.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có liên quan đến tình trạng sinh con to như thai quá ngày dự sinh, đa sản, hoặc bản thân người mẹ khi được sinh ra cũng nặng cân.
“Với những trường hợp mang thai to, lúc mang thai, thai phụ cần phải biết những nguy cơ có thể xảy ra đối với mẹ và con khi sinh, đồng thời có chế độ ăn phù hợp để hạn chế tối đa tình trạng tăng cân của cả hai. Thai phụ khi đó nên giảm những thức ăn quá nhiều dinh dưỡng, giảm chất ngọt, đường, tinh bột, hạn chế dầu mỡ, tăng cường chất xơ thông qua rau xanh, trái cây”, bác sĩ Trung chia sẻ.
Ngoài chế độ dinh dưỡng, thai phụ cần vận động thể thao hợp lý như đi độ, bơi lội… Nếu ước lượng cân nặng thai nhi quá to, trên 4 kg, thai phụ cần được tư vấn mổ sinh để hạn chế tối đa biến chứng cũng như tai biến lúc sinh như gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay… ở con hoặc băng huyết sau sinh, chấn thương đường sinh dục, vỡ tử cung… ở mẹ.
Theo khuyến cáo, những trẻ có cân nặng quá to cần được nhập hồi sức sơ sinh để theo dõi biến chứng sau sinh như hạ đường huyết, suy hô hấp…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.