Thực hiện Luật Bảo hiểm y tế: Trên 90% bệnh nhân BHYT phải đồng chi trả

30/12/2009 10:17 GMT+7

Ông Cao Văn Sang - giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM TT - Từ 1-1-2010, Luật bảo hiểm y tế (BHYT) chính thức đi vào cuộc sống. Luật này có nhiều quy định mới mà người tham gia BHYT cần biết. Ông Cao Văn Sang - giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM - cho biết:

- Thực hiện Luật BHYT, trên 90% người tham gia BHYT sẽ phải đồng chi trả chi phí khi đi khám chữa bệnh. Như vậy, ngoài việc sắp hàng chờ khám bệnh, chờ lấy thuốc, nay bệnh nhân BHYT phải chờ đóng tiền đồng chi trả. Đa số bệnh viện đều cam kết cải tiến thủ tục, đảm bảo sự liên thông giữa khâu xếp hàng lấy thuốc và khâu đóng tiền để bệnh nhân được nộp tiền đồng chi trả và lấy thuốc luôn ở “một cửa”.

Ai phải đồng chi trả?

Các đối tượng như: cán bộ hưu trí, trợ cấp mất sức, dân tộc thiểu số, bảo trợ xã hội, người nghèo... khi đi khám chữa bệnh phải đồng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh. HS-SV, những người đang làm việc, đối tượng tham gia BHYT tự nguyện, phải đồng chi trả 20%. Riêng các đối tượng là người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi, lực lượng công an nhân dân... sẽ không phải đồng chi trả.

Nếu chi phí cho một lần khám bệnh dưới 15% mức lương tối thiểu chung (tương đương với 97.500 đồng) thì bệnh nhân BHYT không phải đồng chi trả. Trường hợp bệnh nhân khám chữa bệnh ở tuyến phường, xã cũng không phải đồng chi trả.

* Thực hiện Luật BHYT, việc cấp đổi thẻ BHYT thay đổi thế nào, thưa ông?

- Từ 1-1-2010, người tham gia BHYT sẽ được cấp thẻ theo mẫu mới và mã thẻ mới. Trẻ em dưới 6 tuổi cũng được cấp thẻ BHYT mới do thẻ khám chữa bệnh miễn phí không còn giá trị sử dụng.

Hiện nay, việc in thẻ mới cho cán bộ hưu trí gần như đã làm xong và thẻ mới đã được chuyển xuống UBND phường. Khi các bác hưu trí đi nhận lương hưu, phường sẽ mời nhận thẻ luôn. Thẻ cũ sẽ không thu hồi mà tự động không còn giá trị. Còn đối tượng trẻ em, đến nay cơ bản các em đều đã nhận được thẻ mới. Riêng đối tượng đang làm việc thì tùy các chủ doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, nếu làm thủ tục kịp thì chúng tôi cấp thẻ ngay, chưa kịp làm thì chưa thể cấp thẻ.

Đối với HS-SV, đã có 1,1 triệu em được cấp thẻ theo mẫu mới từ 1-11-2009 (trong đó có hai tháng BHYT tự nguyện). Còn 200.000 em chưa tham gia BHYT từ 1-11 thì chưa biết tham gia BHYT bắt buộc từ ngày 1-1-2010 có kịp không.

Chúng tôi chỉ băn khoăn nhất là diện hộ nghèo năm nào cũng bị cấp thẻ BHYT trễ, do Sở LĐ-TB&XH TP năm nào cũng không cung cấp danh sách hộ nghèo kịp thời cho chúng tôi trước ngày 25-12.

* Danh mục các loại dịch vụ y tế, thuốc men… của Bộ Y tế ban hành (để cơ quan BHXH dựa vào đó thanh toán) hiện chưa đủ và phù hợp với trẻ em. Như vậy liệu trẻ em có bị thiệt thòi khi đi khám chữa bệnh?

- Trước đây, trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh miễn phí theo phương thức thực thanh, thực chi. Khi các cháu được chuyển qua chế độ BHYT, về nguyên tắc chỉ những chi phí, thuốc men, xét nghiệm... nào nằm trong danh mục của Bộ Y tế thì BHYT mới thanh toán. Tuy nhiên, tại TP.HCM các cháu vẫn được UBND TP đài thọ phần chi phí ngoài danh mục đến hết năm nay.

Vấn đề khúc mắc hiện nay là chỉ còn vài ngày nữa đến năm 2010 nhưng vẫn chưa thấy Bộ Y tế cập nhật, bổ sung danh mục để đảm bảo quyền lợi cho trẻ. Về phía UBND TP cũng chưa thấy có ý kiến gì về việc có tiếp tục đài thọ những chi phí mà BHYT chưa thanh toán cho trẻ do chưa có trong danh mục hay không. Tôi e rằng từ 1-1-2010 các bệnh viện sẽ rất lúng túng, không biết có được thu tiền không. Ai trả những chi phí khám chữa bệnh ngoài danh mục cho trẻ dưới 6 tuổi?

* Theo Luật BHYT, người dân chỉ được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở bệnh viện tuyến quận, huyện. Việc thực hiện quy định này có ách tắc gì không, thưa ông?

- Thông tư 10 của Bộ Y tế cho phép giám đốc Sở Y tế TP toàn quyền quyết định chuyện này. Theo đó, BHXH TP đã thống nhất với Sở Y tế là trước ngày 1-10-2009, ai đăng ký khám chữa bệnh ở đâu thì tiếp tục ở đấy, không có thay đổi gì. Thẻ hết hạn thì gia hạn tiếp. Ai mới bắt đầu tham gia hoặc muốn thay đổi thì thực hiện đúng nguyên tắc là về bệnh viện quận huyện. Riêng các đối tượng thuộc diện Ban Bảo vệ sức khỏe Thành ủy quản lý thì được phép lựa chọn các bệnh viện cấp TP.

* Thưa ông, việc để nhân viên y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại chính bệnh viện nơi họ đang làm việc liệu có nên không?

- Nếu để thuận lợi cho nhân viên y tế thì nên. Không có lý do gì nhân viên y tế làm việc ở bệnh viện mà khi bị bệnh, nhất là những bệnh thông thường, họ lại không được khám, chữa bệnh tại bệnh viện họ đang làm việc. Tuy nhiên, nếu để khách quan thì không nên vì đồng nghiệp với nhau, chữa bệnh cho nhau thế nào cũng có du di, dễ dãi. Để dung hòa hai chuyện này, chỉ có cách là cho nhân viên y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện họ đang làm việc với điều kiện bệnh viện phải quản lý chặt quỹ khám chữa bệnh.

Bệnh nhân phải chờ đợi lấy bao nhiêu chữ ký?

Ông Nguyễn Minh Thảo, trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN), cho biết tại Bệnh viện Nhi T.Ư, người bệnh kêu ca vì thủ tục thanh toán cho bệnh nhân BHYT cần đến bảy chữ ký, mất nhiều thời gian chờ đợi. Theo ông Thảo, bệnh nhân chỉ cần đợi... 3/7 chữ ký là có thể ra viện, gồm chữ ký của bác sĩ điều trị, người lập biểu và chính bệnh nhân. Còn lại là việc của bệnh viện và cơ quan bảo hiểm, không liên quan đến người bệnh, đừng bắt họ phải đợi.

Trong khi đó, bà Tống Thị Song Hương, vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho rằng mẫu biểu thanh toán cho bệnh nhân BHYT hiện nay được thiết kế từ năm 2001 và bà xem lại thì thấy cần sáu chữ ký chứ không phải bảy như phàn nàn từ Bệnh viện Nhi T.Ư. “Chúng tôi sẽ rà soát xem cái gì không cần thiết thì bỏ để bệnh nhân bớt thời gian chờ” - bà Hương cho biết.

Thực hiện Luật BHYT, đa số người bệnh BHYT sẽ phải đồng chi trả 5-20% chi phí khám chữa bệnh. Nhiều người đề xuất sử dụng chữ ký điện tử nhằm liên thông các khoa phòng trong bệnh viện, tránh tình trạng người bệnh đi xét nghiệm phải xếp hàng trả tiền, đi siêu âm cũng xếp hàng trả tiền...

Lan Anh

Theo Lê Thanh Hà (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.