Thực hư “công nghệ” xóa xăm

07/01/2012 10:15 GMT+7

(TNTS) Nhiều nơi quảng cáo xóa xăm nghe có vẻ dễ dàng, nhưng thực tế không phải vậy.

Trong số những kỹ thuật xóa xăm, có nơi dùng mực xóa xăm chồng lên hình xăm cũ. Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Vân, việc dùng mực xóa xăm chồng lên chỉ chôn lấp hình xăm cũ mà thôi, kỹ thuật này thường để lại vùng da xóa có màu không giống với màu da thực tế, có thể gây nhiễm trùng và để lại sẹo.

>> “Mốt xăm” và mối nguy

Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương lưu ý: “Có nơi quảng cáo xóa xăm, nhưng thực chất người ta chỉ dùng cách xăm chồng lên hình xăm cũ, ngụy trang che giấu vết xăm cũ bằng một vết xăm mới có màu gần giống màu da mà thôi. Việc xăm chồng lên vết xăm cũ sẽ gây khó khăn trong việc xóa xăm sau này và thực chất cũng không che giấu hoàn toàn vết mực cũ được”.

 
Biến chứng sẹo do xóa xăm bằng hóa chất - Ảnh: BS cung cấp

Theo các bác sĩ, việc xóa xăm dễ hay khó tùy vào màu mực xăm, tính chất hóa học của mực xăm và độ sâu khi cấy mực xăm vào da. Thường với những màu pha như vàng, cam, xanh lá cây sẽ khó tẩy hơn các màu đơn giản như mực xanh đen thông thường. Với trường hợp xăm chồng lên vết xăm cũ thì càng khó xóa.

Cách nữa là phẫu thuật cắt bỏ vùng da có vết xăm, rồi kéo hai đầu da khâu lại. Phương pháp này cũng thường để lại sẹo (tùy cơ địa mỗi người), và chỉ làm được với hình xăm nhỏ. Theo tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Quang Hùng, nếu hình xăm có diện tích rộng (trên 10 cm trở lên) thì không thể cắt bỏ rồi khâu kéo hai đầu da lại, mà cần phải ghép da mới đẹp hơn. Phương pháp xóa xăm bằng cách ghép da tự thân - phẫu thuật cắt bỏ vùng da có vết xăm, rồi lấy một vạt da ở vị trí khác trên cơ thể của chính người ấy (thường là lấy da ở đùi, cánh tay…) để ghép vào vùng da có vết xăm bị cắt bỏ. Nhưng cũng cần biết, vùng da mới ghép vào có thể không tiệp màu hoàn toàn như màu da cơ thể xung quanh vùng ghép (do da mới lấy có sự biến màu).

Ngoài ra, còn có những cách loại bỏ vùng da chứa mực xăm bằng các biện pháp phá hủy vật lý như đốt điện, đốt bằng máy laser carbonic, mài da hoặc bằng biện pháp hóa học như gây phỏng vùng da được xăm bằng các chất ăn mòn - những phương pháp này rẻ tiền, làm ít lần, nhưng lưu ý chúng có nhiều nguy cơ như để lại sẹo xấu, nhất là với những vết xăm sâu.

Xóa xăm bằng laser: tốn tiền, tốn công…

Theo bác sĩ Võ Thị Bạch Sương, phương pháp xóa xăm trên da bằng các thiết bị laser thẩm mỹ, là phương pháp được thực hiện khá phổ biến hiện nay, nhờ cho hiệu quả cao. Tùy màu mực xăm, độ sâu và tính chất hóa học của mực xăm, bác sĩ sẽ dùng các thiết bị laser với các bước sóng khác nhau nhằm mục đích chỉ loại bỏ mực xăm mà không gây tổn thương cho vùng da đã xăm, đỡ nguy cơ gây sẹo. Nhưng khuyết điểm của xóa xăm bằng laser là phải làm nhiều lần, và giá thành cao. Tùy diện tích vùng cần xóa xăm mà giá dịch vụ này có thể thay đổi trong khoảng trên dưới 3-5 triệu đồng cho một lần xóa xăm. Số lần thực hiện dịch vụ tùy thuộc màu mực xăm, tính phức tạp của các hình xăm, có thể từ 6 lần trở lên, thậm chí hàng chục lần!

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Thị Anh Tú cho biết thêm: “Khi chiếu vào da, tia laser đi xuyên qua da chỉ tác động phân hủy từng nhóm màu mực xăm phù hợp với bước sóng của tia. Laser với bước sóng 1.064nm phù hợp với phân hủy màu mực xăm đen, xanh đen, trong khi bước sóng 532 nm phù hợp với phân hủy màu đỏ, 585 nm phân hủy màu xanh da trời, 650 nm phân hủy màu xanh lá cây… Các màu mực xăm đen, xanh đen, đỏ tương đối dễ phân hủy (dễ xóa) hơn các màu xanh lá, vàng, xanh da trời…”.

Khánh Vy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.