Tổng kết triển khai dự án bữa ăn học đường năm học 2019 - 2020

13/11/2020 14:00 GMT+7

343 trường tiểu học bán tại TP.Hồ Chí Minh đang áp dụng Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng trong công tác bán trú tiểu học.

Ngày 10.11.2020, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn công tác truyền thông chiến lược quốc gia về dinh dưỡng dành cho học sinh Tiểu học 2020 - 2021 và đánh giá hoạt động triển khai, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện dự án Bữa ăn học đường năm học 2019 - 2020.
Dự án Bữa ăn học đường do Bộ GDĐT phối hợp cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), Công ty Ajinomoto Việt Nam thực hiện và triển khai từ năm 2012, bao gồm các nội dung: Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, áp phích Ba phút thay đổi nhận thức và xây dựng bếp ăn mẫu bán trú theo tiêu chuẩn Nhật Bản.
Ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GDĐT TP.Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị

Ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GDĐT TP.Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị

Theo báo cáo tại Hội nghị, tính đến tháng 9/2020, toàn thành phố có 435 trường tiểu học bán trú. Trong đó, 343 trường đang áp dụng Phần mềm trong công tác chuẩn bị thực đơn (chiếm 79%) và 347 trường (chiếm tỷ lệ 80%) đang sử sụng áp phích để hướng dẫn kiến thức dinh dưỡng về thực phẩm cho các em học sinh.
Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận 11, TP.Hồ Chí Minh) là một trong các trường đã và đang tích cực triển khai những nội dung của Dự án tại thành phố. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hiền - Hiệu phó nhà trường, việc áp dụng Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cung cấp nguồn thực đơn chuẩn, đa dạng, đáp ứng nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng cho học sinh. Các thực đơn phù hợp với nguồn thu. Yêu cầu về nguyên liệu không cầu kỳ, dễ tìm và đáp ứng được nhu cầu chế biến của bếp ăn.
Đại diện ban dự án Bữa ăn học đường chia sẻ kết quả triển khai dự án tại TP.Hồ Chí Minh

Đại diện ban dự án Bữa ăn học đường chia sẻ kết quả triển khai dự án tại TP.Hồ Chí Minh

Một trong những khó khăn mà nhà trường gặp phải trong quá trình áp dụng là bậc phụ huynh vẫn chưa hiểu được những lợi ích của thực đơn cân bằng dinh dưỡng. “Các cha mẹ thường cho con ăn theo sở thích và thói quen nên các em chưa quen với thực đơn đủ 4 nhóm dinh dưỡng cũng như các loại rau củ. Việc thay đổi nhận thức của các em về dinh dưỡng cần có thêm thời gian” - bà Hiền cho biết thêm. Chính vì vậy, nhà trường đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền đến phụ huynh học sinh tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ phía phụ huynh học sinh và nhà trường trong việc thực hiện Dự án.
Trong thời gian tới, nhà trường xây dựng thực đơn, khẩu phần ăn phù hợp với từng độ tuổi. Các thực đơn sẽ được thay đổi thường xuyên với cách chế biến đa dạng để phù hợp khẩu vị của học sinh cũng như trang trí với màu sắc đẹp mắt để kích thích các em ăn hết suất ăn.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiền - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Đình Chinh (Q.11, TP.HCM) tham luận tại hội nghị

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiền - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Đình Chinh (Q.11, TP.HCM) tham luận tại hội nghị

Hoạt động giáo dục dinh dưỡng cho các em học sinh thông qua áp phích “Ba phút thay đổi nhận thức” cũng được nhà trường chú trọng. Trước mỗi giờ ăn, cán bộ bán trú sẽ giới thiệu thực đơn, chia sẻ về lợi ích dinh dưỡng của một hoặc hai loại thực phẩm có trong thực đơn. Hiểu được những thông tin này sẽ giúp các em ăn đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt là các loại rau củ quả.
Sau một thời gian triển khai dự án, nhà trường đã ghi nhận được những thay đổi tích cực trong nhận thức của các em học sinh. Các em đã dần quen với những bữa ăn có nhiều rau củ quả hơn trước đây.
Ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GDĐT TP.Hồ Chí Minh đánh giá cao Dự án Bữa ăn học đường với Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng. Đối với các trường tiểu học chưa áp dụng thành công, nhà trường nên phối hợp chặt chẽ với ban dự án, hướng đến tất cả các trường tiểu học bán trú toàn thành phố đều áp dụng những thực đơn cân bằng dinh dưỡng của Dự án.
Sau 8 năm triển khai, dự án Bữa ăn học đường đã và đang triển khai tại hơn 4.000 trường tiểu học bán trú tại 62 tỉnh thành toàn quốc, mang đến bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho học sinh bán trú và giáo dục kiến thức dinh dưỡng về thực phẩm cho học sinh. Ban dự án hy vọng “Bữa ăn học đường” sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng hơn nữa TP.Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh thành khác trên toàn quốc, góp phần cải thiện và nâng cao tầm vóc cho thế hệ tương lai Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.