TPHCM: Bệnh sốt xuất huyết vào chu kỳ gia tăng

11/05/2009 11:44 GMT+7

Mặc dù TPHCM mới bắt đầu bước vào mùa mưa nhưng số trẻ em cũng như người lớn mắc sốt xuất huyết (SXH) đã gia tăng. Đây là chu kỳ của mỗi năm, nhưng theo dự báo của các chuyên gia, đợt cao điểm SXH năm nay đến sớm. Khảo sát ngày 10-5 tại các bệnh viện cho thấy, hàng chục cháu mắc SXH được điều trị nội trú.

Nhiều trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết

Tại BV Bệnh bệnh nhiệt đới TPHCM, trong tuần qua số trẻ mắc SXH được tiếp nhận điều trị có xu hướng tăng lên. Hiện BV đang điều trị nội trú cho gần 40 bệnh nhi mắc SXH, trong đó có một số trường hợp bị sốc nặng.

Theo BS Trần Văn Ngọc, Trưởng khoa Nhi A, sau các trận mưa từ đầu tháng 4 vừa qua đến nay, số trẻ nhập viện vì SXH tăng trở lại sau một thời gian lắng xuống. Trung bình trong tháng 5-2009, mỗi ngày BV tiếp nhận mới từ 20-25 cháu mắc SXH, và trong khoa luôn thường trực 40-50 cháu.

Còn tại BV Nhi đồng 2, trong ngày 10-5 cũng chăm sóc, điều trị cho gần 20 cháu bị mắc SXH. Điều đáng nói, hầu hết các bệnh nhi này đều cư ngụ trên địa bàn TPHCM, tập trung chủ yếu ở các quận Bình Thạnh, quận 8, Thủ Đức…

Theo thống kê của BV Nhi đồng 2, chỉ trong 4 tháng đầu năm, số ca SXH ở trẻ em được điều trị tại BV là 780 ca, trong đó có 57 ca bị sốc độ 3, độ 4 (biến chứng xuất huyết nặng).

Riêng tại BV Nhi đồng 1, số ca SXH được điều trị nội trú trong ngày hôm qua lên đến trên 40 bệnh nhi. Thậm chí, theo ghi nhận từ Khoa Sốt xuất huyết của BV, trong tuần đầu tháng 5 vừa qua có ngày chăm sóc điều trị cho gần 60 ca mắc SXH.

TS Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết, tình hình bệnh SXH vẫn dai dẳng và đang bước vào chu kỳ tăng trở lại và năm sau có xu hướng tăng hơn năm trước. Chỉ riêng 20 tỉnh phía Nam từ đầu năm đến nay đã có 13.098 ca mắc SXH,  tăng 28% so với cùng kỳ năm 2008 và đã có 11 ca tử vong, tăng 4 ca so với năm 2008. Trong đó TPHCM luôn dẫn đầu về số ca mắc (6.000 ca), tiếp đến là Cà Mau, Tiền Giang, Sóc Trăng...

Bệnh SXH vào mùa

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, hiện mới chỉ bắt đầu bước vào mùa mưa và là cao điểm của bệnh SXH. Tuy nhiên, do công tác dự phòng được thực hiện thường xuyên như tiến hành phun xịt hóa chất diệt muỗi trên toàn địa bàn TP, kêu gọi vệ sinh môi trường… nên dịch SXH chưa thể bùng phát.

Trong khi đó, qua kinh nghiệm chăm sóc điều trị nhiều năm, BS Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, cho rằng từ tháng 5 này trở đi, bệnh SXH bắt đầu gia tăng mạnh và bằng chứng là số trẻ mắc nhập viện tăng cao. Qua phân tích tình hình bệnh trẻ em tháng 4-2009, BS Hùng cho biết các bệnh nhiễm trùng như SXH đang ở mức cao. Số trường hợp nhập viện do SXH trong tháng qua cao hơn 14% so với tháng trước đó. Cũng theo BS Hùng, khu vực phía Nam, bệnh SXH xảy ra quanh năm nhưng cao điểm nhất là vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11.

Qua nghiên cứu, BS Nguyễn Thanh Hùng cho rằng ở các tỉnh phía Nam, 70% trường hợp SXH xảy ra ở trẻ em (dưới 15 tuổi), trong đó trẻ nhũ nhi (1- 11 tháng tuổi) chiếm khoảng 5% - 8%, còn người lớn (trên 15 tuổi) chiếm khoảng 30% trường hợp. Bệnh SXH là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhập viện và tử vong cao ở trẻ em.

TS Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, xác nhận dịch SXH ở Việt Nam hiện đang ở vị trí thứ 5 trong số 26 bệnh  bệnh truyền nhiễm có số ca mắc cao nhất. Đồng thời, số ca tử vong do SXH cũng đứng ở vị trí hàng đầu.

Hiện nay, để xác định bệnh SXH, các bác sĩ thường cho thử máu đối với những bệnh nhi sốt cao liên tục từ 3 ngày trở lên mà chưa tìm thấy nguyên nhân gây sốt. Tuy nhiên, đối với một số cháu có biểu hiện bệnh nặng thì các bác sĩ có thể cho thử máu sớm hơn vào ngày thứ nhất hoặc thứ hai của bệnh để phát hiện các bệnh nhiễm trùng khác.

Đối với những bệnh nhi bị bệnh SXH từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh kể từ lúc sốt cao cần lưu ý các dấu hiệu trở nặng sau: mệt, tay chân lạnh; đau bụng, nôn ói ; ói ra máu hoặc tiêu phân đen. Chỉ cần một trong những dấu hiệu trên nên đưa bé đến bệnh viện ngay.

Theo Tường Lâm/ SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.