Tranh chấp bài thuốc Ama Kông

23/01/2008 21:19 GMT+7

Việc bác sĩ Hồ Việt Sang, Phó chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đắk Lắk lập trang web www.amakong.com.vn có quảng bá bài thuốc gia truyền Ama Kông đã khiến ông Khăm Phết Lào có phản ứng gay gắt.

Ông Khăm Phết Lào, tên thường gọi là Ama Su May, hiện ở tại buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), là con trai ruột của "vua voi" nổi tiếng Ama Kông, vừa gửi "đơn tố cáo" đến các cơ quan chức năng của tỉnh về việc ông Hồ Việt Sang, Phó chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đắk Lắk "lừa đảo, chiếm đoạt bài thuốc 60 năm gia truyền của vua voi Ama Kông Bản Đôn".

Ông Khăm Phết Lào đưa ra các "bằng chứng" cho biết, vào ngày 25.12.2004, ông được người cha Ama Kông viết giấy ủy quyền (bản viết tay) thừa kế bài thuốc gia truyền có tính năng "chữa nhức mỏi, tráng dương, bổ thận", rằng: "Đây là đứa con trai ruột duy nhất của tôi, tôi truyền thụ hết cho con trai tôi nhiều bài thuốc quý, kinh nghiệm gia truyền cho con trai ruột tôi được nắm bắt đầy đủ bài thuốc quý. Hơn nữa, tôi đã từng dìu dắt con tôi từ nhỏ tới lớn vào rừng, chỉ từng loại cây thuốc quý, tập săn bắt voi để biết khu vực nào, vùng nào có loại thuốc quý. Bài thuốc này là bài thuốc hơn 60 năm kinh nghiệm của tôi, cho đứa con trai ruột nối sự nghiệp tôi". Cũng trong một giấy ủy quyền lập ngày 19.8.2007 (bản đánh máy vi tính) có nội dung tương tự giữa hai cha con, Ama Kông viết rõ hơn: "Ai muốn sử dụng bài thuốc quý, hình ảnh, tư liệu vua voi Bản Đôn và tên gọi Ama Kông phải xin phép ý kiến con trai ruột tôi là Khăm Phết Lào... Nếu ai tự tiện sử dụng bài thuốc tôi, hình ảnh tôi, tư liệu vua voi Bản Đôn và tên gọi Ama Kông, người đó chịu trách nhiệm trước pháp luật". Cả hai giấy ủy quyền trên đều được đại diện UBND xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, ký tên và đóng dấu xác nhận.

Với hai tư liệu trên, ông Khăm Phết Lào cho rằng việc ông Hồ Việt Sang - Phó chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đắk Lắk đã tự lập trang web www.amakong.com.vn ghi rõ: "Thuốc Ama Kông Bản Đôn - Đắk Lắk", là mạo nhận quyền thừa kế, sử dụng hình ảnh của Ama Kông và con cháu Ama Kông lên trang web, với mục đích chính là để bán thuốc Ama Kông tại nhà riêng của ông Sang (101 - quốc lộ 14, Đạt Lý, TP Buôn Ma Thuột) mà không hề xin phép ông Ama Kông và Khăm Phết Lào, người đã được Ama Kông chuyển quyền thừa kế bài thuốc.

Cách đây gần hai năm, việc tranh chấp quyền thừa kế bài thuốc này cũng đã xảy ra giữa ông Khăm Phết Lào và ông Hồ Việt Sang. Ngày 12.5.2006, lãnh đạo Hội Đông y tỉnh Đắk Lắk đã họp giải quyết tranh chấp này và ông Sang có làm cam kết không sử dụng các giấy tờ có liên quan đến bài thuốc Ama Kông. Ông Khăm Phết Lào cho rằng, tưởng vụ việc đã giải quyết xong, nhưng đến gần đây khi có tờ báo giới thiệu trang web do ông Sang lập ra thì mới cảm thấy bức xúc. Hiện trong "đơn tố cáo", ông Khăm Phết Lào đề nghị các cấp có thẩm quyền xử lý việc làm của bác sĩ Sang để bảo vệ quyền lợi của gia đình ông.

Còn về phía ông Hồ Việt Sang, trao đổi với PV Thanh Niên, ông khẳng định việc lập trang web của mình là hợp pháp, trang web chỉ là thông tin khoa học, nhằm mục đích quảng bá bài thuốc Ama Kông, giúp những người muốn tìm hiểu về bài thuốc này. Ông Sang cho rằng, việc ông nghiên cứu, sử dụng, phát triển bài thuốc Ama Kông là được phép của Bộ Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Lắk, chính quyền xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Hơn nữa, bài thuốc gia truyền Ama Kông chưa được Bộ Y tế công nhận về mặt khoa học, do đó cần có sự nghiên cứu đầy đủ. Về việc khiếu nại của ông Khăm Phết Lào, ông Sang cho rằng, nếu cần thiết có thể đưa vụ việc ra tòa án phân xử để xác định đúng sai cho mỗi bên.

Chưa biết vụ việc trên sẽ được cơ quan chức năng giải quyết như thế nào, nhưng có thể thấy bài thuốc gia truyền Ama Kông được nhiều người bày bán tràn lan ở Đắk Lắk mà chắc chắn chưa được sự "cho phép" của gia đình Ama Kông.

Trần Ngọc Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.