Trao giải cuộc thi viết “Khoảnh khắc nghề y”: Cái nhìn sâu sắc hơn về ngành y

01/10/2016 19:30 GMT+7

Chiều ngày 30.9.2016, tại Tòa soạn Báo Thanh Niên , Lễ trao giải cuộc thi viết “Khoảnh khắc nghề y” do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Công ty Media One Sài Gòn tổ chức, với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (DHG Pharma) đã diễn ra trong không khí ấm áp, gần gũi, nhưng đầy trang trọng.

14 bài viết được vinh danh đã mang đến những góc nhìn chân thực, xúc động và sâu sắc về ngành nghề của những người mặc áo blouse trắng.
Cuộc thi viết “Khoảnh khắc nghề y” bắt đầu từ ngày 1.7 và kết thúc nhận bài vào ngày 30.8, sau 2 tháng diễn ra, cuộc thi nhận được hàng trăm bài viết của bạn đọc từ mọi miền đất nước được gửi qua email và cả đường bưu điện. Chứng kiến nhiều lá thư được nắn nót viết tay, mới thấy hết tình cảm mà nhiều thế hệ bạn đọc dành cho ngành y. Và có lẽ, hiếm có cuộc thi nào có thể thu hút bạn đọc ở nhiều thế hệ tham gia đến như vậy: từ những sinh viên trường y, cho đến những bạn đọc U90. Trải qua sơ loại và chung khảo, cuộc thi đã tìm được 14 bài viết chân thực, xúc động về nghề y với đa dạng góc nhìn: câu chuyện của người trong cuộc, câu chuyện của những nhân chứng…
Kết quả cuối cùng, giải Nhất thuộc về bạn đọc Nguyễn Phương Liễu (Đồng Nai) với bài viết Cuộc chiến sinh tử. Giải Nhì thuộc về tác giả Trần Quang Huy (Khánh Hòa) với bài viết Chiếc đèn blouse đêm biển động. Đồng giải ba thuộc về tác giả lớn tuổi nhất tham gia cuộc thi, bác Trịnh Phúc Tiến (86 tuổi, TP.HCM) với bài viết Tìm “đồng nghiệp” bên kia chiến tuyến và chàng bác sĩ nội trú của bệnh viện Ung Bướu - Trần Hoàng Hiệp (Trà Vinh) với bài viết Vì một thế giới không ung thư. Mười giải khuyến khích lần lượt được trao cho các bạn đọc: Nguyễn Văn Công (bài viết Khi em yêu một chàng sinh viên y khoa), Đặng Đoàn Hải Yến (bài viết Con đường vào nghề), Lê Văn Cường (bài viết Nỗi đau nghề nghiệp), Nguyễn Thoại Thi (bài viết Chuyện lâm sàng), Nguyễn Hồng Thạnh (bài viết Lặng lẽ bên đời), Nguyễn Thị Đào (bài viết Duyên định mệnh), Nguyễn Thị Minh Yến (bài viết Thắp sáng ngọn lửa đam mê), Lê Đức Bảo (bài viết Vợ tôi là một y tá), Phan Phi Tuấn (bài viết Thức tỉnh), Khương Thị Thu Hương (bài viết Nữ lương y).
Lễ trao giải không tránh được sự xúc động và những giọt nước mắt khi bạn đọc tham gia nhận giải chia sẻ về những câu chuyện của riêng mình. Ấn tượng nhất có lẽ là câu chuyện của tác giả Nguyễn Phương Liễu: “Trong 25 năm cầm bút của mình, chưa bao giờ tôi chứng kiến một ca tai nạn như vậy, nạn nhân bị máy nghiền cà phê cuốn đứt nửa thân dưới, tình trạng nguy kịch, vậy mà các bác sĩ của bệnh viện Đồng Nai và Chợ Rẫy vẫn hết lòng cứu chữa, đến mức ca phẫu thuật xứng đáng được viết vào sách y văn thế giới. Nạn nhân hôn mê đến ngày thứ 10 mới tỉnh. Thời gian đầu, anh rất chán nản, trách bác sĩ tại sao lại cứu anh, sao không để anh chết đi, sống thế này khổ sở quá! Các bác sĩ chỉ biết trả lời: “Chúng tôi là bác sĩ, chúng tôi cứu người chứ không có giết người”. Câu chuyện đã diễn ra 3 năm, người bệnh nhân kia giờ đã quen với cuộc sống hiện tại, học thêm nghề công nghệ thông tin, sử dụng đôi bàn tay để kiếm sống”. Với chúng tôi, có lẽ anh đã nhận thấy ý nghĩa của việc bác sĩ dày công khó nhọc cứu sống anh, mang anh trở lại với cuộc sống.

Hay câu chuyện của chàng sinh viên năm 2 Trần Hoàng Hiệp bất lực nhìn mẹ mình chống chọi với căn bệnh ung thư vú, để rồi anh trở nên sợ hãi với con đường Nơ Trang Long, bệnh viện Ung bướu, nơi vẫn được người dân gọi đùa là Thiên đường Nơ Trang Long, bước chân vào đây nghĩa là bước nửa chân vào cửa Thiên đường. Thế nhưng, cũng chính từ tình yêu với mẹ, với những người khổ sở với bệnh ung thư, Hiệp đã dũng cảm vượt qua nỗi sợ bằng cách vượt qua kỳ thi tuyển Bác sĩ nội trú của bệnh viện Ung bướu và trở thành thành viên của khoa Ung thư.
Quan khách tham dự lễ trao giải còn học được rất nhiều điều từ người bác sĩ Quân y lão thành Trịnh Phúc Tiến, nguyên Viện phó Viện 121, cựu tù nhân Phú Quốc. Đặc biệt là từ những chia sẻ của bác: “Tôi ở trong nghề nhiều năm, thấy được nỗi vất vả của nghề, nên rất bức xúc khi phương tiện truyền thông và dân chúng cứ xoáy sâu vào những mặt tiêu cực mà quên đi những mặt tích cực của nghề y”. Và nhiều lắm bài viết đáng yêu, hóm hỉnh, như Khi em yêu một chàng sinh viên y khoa, hay đầy cảm thông của Vợ tôi là y tá.
“Khoảnh khắc nghề y” chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, khoảng 2 tháng thôi nhưng đã mang đến thật nhiều câu chuyện hay, xúc động về nghề, những khó nhọc, gian khổ, hi sinh của nghề. Đúng như lời Tổng thư ký tòa soạn Thanh niên Online Trần Việt Hưng chia sẻ: “Khoảnh khắc nghề y là cơ hội để công chúng, những người làm báo có cái nhìn sâu sắc hơn về ngành y. Đó là cái nhìn từ những người trong cuộc, những điều không một phóng viên nào có thể thấy hết và ghi nhận hết.” Hay như lời bà Trần Thanh Phướng, phụ trách Truyền thông của DHG Pharma: "Chúng tôi mong sao ngày càng có nhiều người thấu hiểu, đồng cảm và trân quý những người thầy thuốc nhiều hơn”.
Cuộc thi viết “Khoảnh khắc nghề y” nằm trong khuôn khổ loạt chương trình “Đặc Nhiệm Blouse Trắng” mùa đầu tiên 2016. Cuộc thi được truyền cảm hứng từ ý tưởng của Anh hùng lao động, Thầy thuốc ưu tú, Tiến sĩ Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc của DHG Pharma. Từ những tình cảm, trăn trở dành cho ngành y sau nhiều năm gắn bó, bà và DHG Pharma đã đồng hành cùng Ban Tổ chức thực hiện cuộc thi này. Tất cả bạn đọc có thể tham gia chia sẻ câu chuyện của mình từ những trải nghiệm của bệnh nhân với ngành y tế, cho đến những niềm vui, nỗi buồn và những trăn trở của chính các y bác sĩ về cuộc sống và công việc của họ. Cuộc thi là dịp để bạn đọc chạm vào những góc khuất lặng lẽ, những tận tụy không được gọi tên trong y đức, trong thiên chức của người thầy thuốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.