Trời đang nắng nóng lại đổ mưa: Cẩn thận kẻo đổ bệnh

18/05/2016 13:39 GMT+7

Giai đoạn chuyển mùa từ nắng nóng sang mưa rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh hô hấp, dị ứng. Giai đoạn này cũng vào mùa dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Thạc sĩ - bác sĩ Âu Thanh Tùng - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết giai đoạn chuyển mùa từ nắng nóng sang mưa rất dễ mắc bệnh. Những ngày vừa qua, số lượng người bệnh đến khám tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM có tăng khoảng 20% (bình thường trung bình bệnh viện khám 5.200 lượt/ngày, nhưng hiện tại khoảng 6.200 lượt/ngày).
“Việc thời tiết, nhiệt độ thay đổi như đột ngột chuyển từ nắng nóng sang mưa, từ trong nhà mát mẻ, máy lạnh ra ngoài trời nắng nóng và ngược lại tác động trực tiếp lên đường thở. Thời gian chuyển mùa nắng nóng sang mưa thế này, người dân đặc biệt dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, nhất là hen suyễn và viêm mũi dị ứng”, bác sĩ Tùng nói.
Theo bác sĩ, các bệnh phổ biến trong thời gian này là: cảm; các bệnh viêm đường hô hấp trên: nghẹt mũi, sổ mũi, chảy nước mũi; viêm phế quản: với triệu chứng là khó thở, ho nhiều, ho có đờm. Ngoài ra, cũng có các bệnh dị ứng như: mề đay, viêm da dị ứng, viêm kết mạc…
Bác sĩ khuyên mọi người hạn chế làm việc hoặc di chuyển ra đường vào khung giờ nắng nóng cao điểm (11-15 giờ trưa). Nếu cần ra đường dưới trời nắng cần có những trang bị để tránh nắng nóng tác động trực tiếp đến cơ thể (như xoa kem chống nắng, đeo khẩu trang, mặc áo chống nắng, đeo kính râm). Đồng thời, cũng đem theo áo mưa để phòng khi mưa ập đến.
Ngừa đột quỵ do nắng nóng
Không nên xem thường nắng nóng vì có thể dẫn đến các cơn đột quỵ gây hại nghiêm trọng đến não bộ hoặc các cơ quan khác của cơ thể.

“Mọi người cần chú ý đến dinh dưỡng, đặc biệt là việc cung cấp đầy đủ nước, rau, trái cây để cung cấp lại vitamin hay chất điện giải bị mất qua mồ hôi nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể”, bác sĩ Tùng khuyên.
Bên cạnh đó, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cũng khuyến cáo phụ huynh, thời tiết nóng bức chuyển sang mùa mưa nên các bệnh lý như sốt xuất huyết và tay chân miệng có khuynh hướng gia tăng. Vì vậy, phụ huynh chú ý vệ sinh nhà cửa, dọn dẹp đồ đạc sạch sẽ, không để nước ứ đọng trong nhà và xung quanh nhà để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt, phải rửa tay thường xuyên cho trẻ và cả người giữ trẻ (nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh), rửa đồ dùng và đồ chơi cho trẻ sạch sẽ để phòng bệnh tay chân miệng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.