Tự chẩn bệnh bằng 'bác sĩ google': Sai nhiều hơn đúng!

Tạ Ban
Tạ Ban
30/05/2020 00:06 GMT+7

Khi không khỏe, mọi người thường lên mạng tìm nguyên nhân các triệu chứng bệnh tình của mình vì dễ dàng và nhanh chóng. Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo tự chẩn bệnh qua internet sai nhiều hơn đúng.

Một nghiên cứu trên Tạp chí Y khoa của Úc đã phân tích tính chính xác của các trang web và ứng dụng kiểm tra triệu chứng bệnh trực tuyến. Kết quả cho thấy chất lượng chẩn đoán của chúng thay đổi khác nhau và chẩn đoán ban đầu trung bình chỉ chính xác khoảng 1/3 (36%).
Số liệu nói trên tương đồng với một nghiên cứu được công bố 5 năm trước bởi một nhóm các nhà nghiên cứu Đại học Harvard (Mỹ). Họ cho rằng kiểm tra triệu chứng trực tuyến (SC) chẩn đoán ban đầu chỉ chính xác trong 34% trường hợp, theo Science Alert.
"Rất hấp dẫn khi sử dụng các công cụ này để tìm hiểu nguyên nhân gây ra triệu chứng của bạn, nhưng hầu hết chúng không đáng tin cậy và còn có thể nguy hiểm ở mức tồi tệ nhất. Thực tế là các trang web và ứng dụng nên được xem xét thận trọng vì chúng không cho ta cái nhìn toàn diện", tác giả nghiên cứu, thạc sĩ Michella Hill, đến từ Đại học Edith Cowan (Úc), nói.
Ngay chính các SC đều biết rằng dịch vụ của họ không thay thế cho việc tư vấn bác sĩ. Chẩn đoán không phải là một đánh giá đơn lẻ, mà là một quá trình đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm, xét nghiệm, kiểm tra lâm sàng, theo thời gian và không thể lặp lại với một tương tác trực tuyến duy nhất. Trong khi đó, SC không biết tiền sử y tế hoặc các triệu chứng khác của bạn. Luôn nhớ, dù các kho tài liệu này có lớn thế nào, đa dạng ra sao thì chúng cũng không phải bác sĩ, theo Science Alert.
Các nhà nghiên cứu nói rằng, SC còn nhiều thiếu sót, chỉ hữu ích khi mọi người sử dụng chúng như một tài nguyên giáo dục kết hợp với tư vấn từ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp, theo Science Alert.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.