Vì sao có hội chứng ngất xỉu dây chuyền?

15/02/2011 14:35 GMT+7

Đọc Báo Thanh Niên số 45 (ra ngày 14.2), tôi rất lo lắng trước hiện tượng các học sinh bị ngất xỉu hàng loạt ở Phú Yên. Một số người cho rằng đó là bệnh Hysteria. Vậy, tôi muốn hiểu rõ hơn về căn bệnh này và cách điều trị như thế nào? (Nguyễn Hoài Vũ - đường Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình, TP HCM)

Theo Y văn: Hysteria là một bệnh loạn thần tâm căn, thường xuất hiện sau một chấn thương tâm lý ở những người thần kinh yếu (có tỷ lệ 0,3-0,5% dân số, thường gặp ở nữ giới). Trong bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD-10), Hysteria được gọi là rối loạn phân ly. Dấu hiệu bệnh rất đa dạng: mệt mỏi hụt hơi, khó thở, đau nhức hoặc khóc cười, sợ hãi vô cớ. Bệnh nhân rất dễ bị ám thị và tự ám thị (nhận thức không đúng về sự vật hiện tượng xảy ra), ly kỳ hóa hiện tượng, kịch tính hóa, thích được mọi người chú ý.

Triệu chứng thường gặp là bệnh nhân co giật, co cứng sau một chấn thương tâm lý, giãy giụa la hét, kêu khóc đập phá... nhưng ý thức vẫn tỉnh táo. Một số trường hợp, bệnh nhân có ảo giác, đau bụng, vùng ngực, tim. Nguyên nhân thường thấy là do những chấn thương tâm lý, lo sợ cao độ, tức giận, bi quan. Hội chứng Hysteria thường tạo tính dây chuyền khi các đối tượng có sự tác động qua lại hoặc ảnh hưởng lẫn nhau.

Điều trị bệnh này bằng nhiều cách: thôi miên, tạo quan hệ tốt giữa bác sĩ và bệnh nhân... thì cơn bệnh sẽ qua trong thời gian ngắn. Trong một số trường hợp khó khăn, có thể sử dụng ngay benzodiazepin, sau đó dùng thuốc chống trầm cảm liều thấp như elavil, hoặc các thuốc mới như prozac, remeron, sertralin...                                                                            

Theo Đông y, nguyên nhân gây bệnh đa phần do ăn uống hoặc suy nghĩ nhiều làm cho tỳ bị tổn thương, mất chức năng kiện vận nên thổ khí bị ngưng, mộc khí bị uất. Hoặc do uất ức, giận dữ làm cho can bị tổn thương, tràn sang làm tổn thương tỳ. Dùng châm cứu hoặc bấm huyệt kết hợp với tâm lý liệu pháp (kiểu ám thị gián tiếp) thường đạt được kết quả tốt.

Tuy nhiên, BS Nguyễn Thị Ánh Hồng (khoa Thần kinh - Trung tâm Y khoa Medic TP.HCM) cảnh báo, hiện tượng học sinh bị ngất xỉu hàng loạt không nên cho rằng đơn thuần chỉ là Hysteria mà còn phải xem xét thêm các nguyên nhân khác: động kinh, tim mạch cho từng trường hợp cụ thể để có hướng điều trị thích hợp...

Công Sơn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.