Vượt cơn tiền “tan”, việc mất

10/03/2009 10:26 GMT+7

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khủng hoảng tài chính toàn cầu dường như là nguyên nhân làm gia tăng hàng loạt vấn đề về tâm lý. Ở VN cũng đã có nhiều bệnh nhân tâm thần vì thua lỗ chứng khoán, mất việc…

Bà H.A., 34 tuổi, công chức tại Đồng Nai, đến khám bệnh vì thường xuyên mất ngủ, lo âu quá mức, chán ăn, suy nhược, chán nản và luôn trong tâm trạng không muốn sống. Bà có gia đình hạnh phúc với vợ chồng là công chức, hai con ngoan, học giỏi. Các triệu chứng của bà xuất hiện cách đây hai tháng và ngày càng tiến triển theo hướng trầm trọng hơn. Bà cho biết chưa bao giờ mắc bệnh như vậy.

Các chuyên gia tâm lý phát hiện các triệu chứng của bà có thể xuất hiện từ sự lo lắng quá mức do ảnh hưởng của việc thua lỗ trong đầu tư chứng khoán cách đây hơn nửa năm. Làm việc tại một ngân hàng nhà nước nên bà có điều kiện mượn một số tiền lớn đầu tư vào chứng khoán, thời gian đầu do cổ phiếu của bà tăng mạnh nên thu nhập cũng khá. Chính vì thế bà càng say hơn và giấu chồng mượn một số tiền lớn để đầu tư tiếp. Tuy nhiên, gần đây cổ phiếu của bà rớt giá rất nhanh. Bà đã bán hết cố phiếu của mình mà cũng không đủ trả nợ ngân hàng. Càng ngày bà càng hoang mang và lo lắng cực độ.

"Cá nhân rơi vào khó khăn trong công việc hoặc đầu tư tài chính hãy chia sẻ điều đó với gia đình"

Ông Tr. T. thì có hoàn cảnh khác. Ông đang làm việc tại một công ty lắp ráp ôtô ở TP.HCM. Trước đây, do tay nghề cao cùng với sự cần mẫn trong công việc, ông được ban giám đốc công ty bổ nhiệm làm quản đốc xưởng hàn. Thu nhập cũng khá nên ông để vợ ở nhà nội trợ. Những ngày gần đây công ty ông làm ăn không hiệu quả nên giảm bớt nhân sự. Từ một quản đốc, ông bị thuyên chuyển xuống làm công nhân, thu nhập ít hơn. Vợ ông lại không xin được việc, đời sống kinh tế gia đình càng khó hơn. Chính vì thế ông càng ngày càng lo âu, chán nản, rượu chè, buồn bã và hay cáu gắt...

“Xìtrét” vì tiền

Trên đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp rơi vào trạng thái  áp lực tâm lý, và nhiều trường hợp có rối loạn tâm thần đến khám và điều trị tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 mà nguyên nhân chủ yếu do stress từ các khó khăn liên quan đến suy giảm kinh tế. Tình trạng stress kéo dài hoặc các khủng hoảng đột ngột do sự khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, nợ nần... làm nhiều người ở khắp nơi trên thế giới rơi vào khủng hoảng. Nhiều trường hợp có thể vượt qua được áp lực, chỉ rơi vào trạng thái stress, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp ảnh hưởng nặng nề và có thể dẫn tới các trạng thái bệnh lý tâm thần như rối loạn dạng cơ thể có căn nguyên tâm lý ( viêm loét, đau đầu...), trầm cảm, lo âu..., nhiều trường hợp tự sát và có ý định tự sát. Phần lớn họ đều là nạn nhân của các khó khăn về tài chính, nghề nghiệp.

Theo WHO, khủng hoảng tài chính toàn cầu dường như là nguyên nhân làm gia tăng hàng loạt vấn đề về tâm lý, thậm chí dẫn tới tự sát do con người phải căng thẳng đối phó với nghèo đói, thất nghiệp. Các khảo sát gần đây cho thấy mỗi năm có gần 1 triệu người trên thế giới tự sát. Phần lớn các trường hợp tự tử gần đây là người trẻ tuổi, nhiều trường hợp liên quan đến nguyên nhân trực tiếp là ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính.

Nói với người nhà

Khi chịu tác động trực tiếp hay gián tiếp từ cuộc khủng hoảng tài chính, theo các nghiên cứu, người có thu nhập trung bình và người nghèo bị ảnh hưởng đến đời sống tinh thần nhiều hơn cả. Điều đó làm chất lượng cuộc sống của họ đã xấu nay lại còn xấu hơn. Chính vì thế, để giảm áp lực và giải quyết những vấn đề khó khăn chúng ta cần cân đối lại chi tiêu, không nên vung tay quá trán, cần lập kế hoạch chi tiêu hợp lý, cắt bớt những khoản không phù hợp để luôn có khoản tài chính phòng ngừa.

Cá nhân rơi vào khó khăn trong công việc hoặc đầu tư tài chính hãy chia sẻ điều đó với gia đình, có thể vợ hoặc chồng là những người giúp bạn vượt qua khó khăn. Nhiều người có quan niệm giữ lo lắng cho riêng mình, không làm ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình nhưng dường như điều đó càng làm họ khó khăn và hoang mang hơn. Bạn cần xác định đối diện với sự thật về những lo lắng và khó khăn của mình, nhận thức đúng hơn đó là do những điều kiện khách quan mang đến chứ không phải do sự yếu kém của mình. Bình tĩnh để vượt qua giai đoạn khó khăn là cách tốt nhất của bạn.

Ngừa hành vi xấu

Bên cạnh đó, các thói quen sinh hoạt bạn cũng cần giữ nguyên, tập thể dục thường xuyên, ăn uống điều độ, không lạm dụng các chất kích thích, tập trung vào giấc ngủ... Điều đó giúp sức khỏe tinh thần của bạn ổn định, tâm trạng thoải mái hơn. Chính vì thế bạn  có thể tìm một hướng giải quyết tối ưu cho công việc và các khó khăn nhất thời. Sự quan tâm của gia đình đến những người có khó khăn giúp họ có ý nghĩ mình không bị bỏ rơi, phòng ngừa những ý tưởng và hành vi xấu như tự sát hoặc các hành vi tương tự.

Trong công việc, bạn nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia để đầu tư hoặc tìm kiếm cơ hội một cách tương đối phù hợp. Nhận diện vấn đề một cách rõ ràng và tìm kiếm cơ hội hiệu quả là đã giúp bạn vượt qua rất nhiều khó khăn, tránh rơi vào những áp lực tâm lý không đáng có.

Khi có nguy cơ rơi vào các triệu chứng của một bệnh lý tâm thần, bạn cần bình tĩnh và gặp chuyên gia để được giúp đỡ.

Theo Lê Minh Công
 (BV Tâm thần T.Ư 2) / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.